Oh Boy xuất hiện giữa tuần lễ phim châu Âu tại Việt Nam như một làn gió nhẹ nhàng thổi qua, xoa dịu cơn nóng ngày hè và tạo ra nguồn cảm hứng bất ngờ cho những người từng trẻ hay đang trẻ...
Cái nghiệt ngã của tuổi trẻ lại không phải ở chuyện được mất, mà chính là người ta hay quên rằng ai cũng chỉ một lần thanh xuân, để trẻ trung và để khờ dại...
Bộ phim Oh Boy có một chút hài hước châm biếm, kiểu "dark comedy" bao quanh một nỗi buồn mang tên nước Đức. Đó là một bức tranh khắc họa tuổi trẻ được tô vẽ một cách rõ ràng nhất, mặc dù phim thuần đen trắng. Nhiều người nói
xem phim Oh Boy tựa như một bản nhạc jazz, vừa quyến rũ, vừa buồn bã. Tôi gọi đấy là lời tỉ tê của tuổi trẻ. Làm cách nào để có được một tách cà phê?
Trong từng thước
phim Oh Boy, trải qua hai mươi bốn tiếng đồng hồ lang thang trong thành phố Berlin, và nhận ra rằng, người trẻ thường phí hoài biết bao thời gian để loay hoay đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đong đầy tính cái tôi cô độc, u phiền và bế tắc. Đến khi bước qua tuổi trẻ ấy rồi, hoặc mọi câu trả lời trở thành vô nghĩa, hoặc họ sẽ ước mình chưa tìm ra câu trả lời thì hơn.
Nhân vật Niko đang đứng ở phần sau chặng đường của tuổi trẻ, không mục đích, không đam mê. Nếu có một giai đoạn trong cuộc đời khiến cho con người ta hoang mang với cuộc sống của mình nhất, thời điểm mà hoài bão bắt đầu bỏ rơi họ thì chắc hẳn chính là độ tuổi ngoài hai mươi này.
Bộ phim Oh Boy
Khi bố Niko hỏi rằng, anh đã làm gì trong suốt hai năm bỏ học mà vẫn nhận tiền trợ cấp đều đặn từ ông, một câu trả lời không mấy xa lạ nhưng vẫn làm người ta ngẩn ngơ vài phút: "suy nghĩ". Hai mươi tư tuổi,
ông bố Walter Fischer phải cật lực kiếm tiền để lo cho sở thích học đàn nửa năm là bố của Niko, lo cho sở thích chơi bóng một năm là thôi của Niko, và hàng tá sở thích dang dở khác của Niko.
Ông bố Walter Fischer đại diện cho một thế hệ mà tuổi trẻ phải quay cuồng cơm - áo - gạo - tiền vì những hệ lụy để lại sau chiến tranh. Và bây giờ ông ngôi nhìn Niko, người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu ấy chẳng thể nào hiểu nổi lối sống của những người trẻ giống con ông.
Ông bố Walter Fischer quyết định, điều duy nhất ông có thể làm cho Niko là "không làm gì cả".
Bộ phim Oh Boy chắc chắn có những phút tự trào thú vị, tuy nhiên đây vẫn là bộ phim nhiều nỗi cảm thông hơn là chỉ trích. Vì thế mà chúng ta nhận ra được một thứ gì đó gần như là vấn đề thời đại trong cuộc trò chuyện của hai bố con, khi ngôn ngữ không còn khả năng truyền tải thông điệp.
Berlin ở
bộ phim Oh Boy có quá nhiều góc tối ảm đạm: đoàn tàu chạy ngang qua, quán cà phê chật chội, chung cư cũ kỹ... mọi thứ đều man mác nỗi buồn. Người ta vẫn cứ nghĩ châu Âu luôn ngời sáng, cho đến khi họ đi vào thành phố Berlin của Oh Boy, chạm phải những vết thương chưa liền da của người Đức sau cuộc thế chiến thứ 2, cũng như gặp gỡ một bộ phận thanh niên sống vật vờ của cường quốc châu Âu này.
Cảnh trong phim Oh Boy
Câu chuyện Oh Boy xảy ra vỏn vẹn trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, từ lúc
nhân vật Niko thức giấc ở nhà bạn gái. Trong hai mươi bốn tiếng, Niko tan vỡ một mối quan hệ yêu đương, đối diện cơn giận dữ và nhận được những đồng tiền trợ cấp lần chót của cha anh, gặp gỡ cô bạn thời trung học Julika béo phì mà bọn anh hay đọc trại thành "con voi cái" và một lão già xa cách quê hương đến sáu mươi năm. Cũng trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ ấy,
nhận vật Niko đã cố gắng tìm kiếm một cốc cà phê đen nguyên chất để uống, nhưng rốt cuộc anh chỉ nhận được những ly cà phê pha máy màu mè cho một ngày nhiều biến động. Tuổi trẻ là thế, tiêu tốn thời gian cho một mối quan hệ lâu dài, và dư giả thời gian để truy lùng một cốc cà phê, chỉ đơn giản vì muốn vậy.
Tuổi trẻ trong
câu chuyện Oh Boy là tiếng nói đương đại và đôi khi, không nhất thiết phải thành lời. Người ta có thể mơ hồ tìm thấy lại một phần đời của họ tại Oh Boy. Kề vai sát cánh với nhân vật Niko là một gã trai hời hợt luôn đi hỏi một vai diễn phụ. Phải tới ngày hôm ấy,
nhân vật Niko mới biết gã bạn mình từng là một tài năng bậc nhất, cả một thời tuổi trẻ, hắn từ chối một vai diễn mà hắn cho là không xứng tầm để đời, và rồi năm tháng trôi đi, ngay cả người thua kém hắn cũng đã thành danh, còn hắn thì vẫn bấp bênh tìm cách sống qua ngày. Ai đó đã từng nói: "Tuổi trẻ như một tấm áo dạ hội, chỉ mặc một lần và cho một đêm vui".
Cuộc đời này, bao nhiêu cuồng nhiệt, bao nhiêu đam mê, bao nhiêu bối rối, bao nhiêu bồng bột đều đổ dồn vào thời son trẻ. Ở độ tuổi của
nhân vật Niko, người ta thường hoặc nghĩ mình sẽ có tất cả, hoặc tưởng mình đã mất tất cả. Song cái nghiệt ngã của tuổi trẻ lại không phải ở chuyện được mất, mà người ta hay quên rằng ai cũng chỉ được một thời thanh xuân, để trẻ trung và để khờ dại. Giữa thời điểm cuộc sống của
nhân vật Niko ngổn ngang nhất, và xin đừng quên chi tiết anh ta kiếm mãi chưa ra một cốc cà phê đen nguyên chất, thì cô bạn học thời niên thiếu Julika xuất hiện kèm theo một lời mời mọc đã thực sự gây ra một cuộc chấn động tâm lý nho nhỏ cho cả hai.
Phân cảnh phim Oh Boy
Nhân vật Julika béo phì ngày xưa giờ đã trở thành cô nàng vũ công gợi cảm. Thế nhưng, cũng giống như khi vở kịch khép màn, Julika lại trở về trạng thái chân thật nhất của cuộc đời cô, một con người chưa bao giờ hết tự ti và sâu dưới đáy mắt nhiều tổn thương, tuổi trẻ của cô hiện lên với những chiếc gai nhọn hoắt được trang bị bằng niềm kiêu hãnh đớn đau. Có rất nhiều tuổi trẻ như
nhân vật Julika, họ bước vào đời bằng đôi chân trần và nỗi mặc cảm mênh mang vô cùng tận. Năm ngoái, tác phẩm So Young do Triệu Vy làm đạo diễn đã xoáy sâu vào nỗi mặc cảm này. Dường như, tuổi trẻ nào cũng thấy mình đi hoang và lạc loài. Có phải đây chính là thứ rượu đắng gây ra ảo giác và tấn bi kịch nội tâm cuộn sóng bên trong tâm hồn bơ vơ của những con người như Niko hay Julika?
Sự kiện cuối ngày, khép lại hai mươi bốn tiếng lang thang thành phố, và có lẽ cũng khép lại thời nông nổi của cậu thanh niên rong ruổi cả ngày để đi tìm một ly cà phê,
nhân vật Niko tình cờ gặp lão già "muôn năm cũ" Friedrich tại quán rượu mà ngày xưa, lúc lão còn thơ bé, nó chỉ là khoảng sân trống dành cho trẻ con. Bóng ma chiến tranh vẫn còn ngồi lì ở đó.
Nhân vật Niko với những nỗi buồn không tên miễn cưỡng lắng nghe lão già gần đất xa trời lè nhè kể chuyện. Một ngày sau khi chiến tranh nổ ra, lão đã bật khóc.
Lão khóc vì từ nay không còn sân để lão chạy xe đạp cùng các bạn nữa. Nghe như, vừa hết tuổi thơ, lão già Friedrich đã phải làm người lớn. Với bấy nhiêu chuyện xẩy ra, chẳng biết với cốc cà phê sáng hôm sau
nhân vật Niko uống được có còn nguyên vị của ngày hôm qua hay không?
Thái An
Theo: TNTS