Chuyến bay nửa đêm của Japan Airlines đưa chúng tôi đến đất nước của mặt trời mọc lúc rạng sáng sau gần 6 giờ bay. Từ sân bay Narita, đoàn hướng thẳng về vùng đất của cây trái sạch thuộc tỉnh Yamanashi, tiếp giáp Tokyo về phía Tây, vựa trái cây trù phú và nổi tiếng với đào lê, nho ... lớn nhất Nhật Bản. Với diện tích 80% là đồi núi, đường cao tốc đến Yamanashi dài 180km đầy ấn tượng vởi xe lúc chạy sát triền núi, lúc vượt cầu qua thung lũng, lúc xuyên hầm qua núi... Với người Nhật làm tuyến đường thẳng là ưu tiên trong giao thông.
Choáng ngợp dưới những vườn nho trĩu quả của nông trại tại
Yamanashi, chúng tôi thích thú chiêm ngưỡng những chùm nho với nhiều màu sắc khác nhau. Tất cả đều sạch sẽ, nên không ai ngại ngần khi hái cả chùm nho rồi cho vào miệng từng trái để nhâm nhi ngay tại vườn.
Yamanashi là một trong những vùng trồng nho được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng thích hợp để chế biến thành những thứ rượu vang nổi tiếng trong và ngoài nước.
Vườn nho tại Yamanashi - Nhật Bản
Các
nông trại ở vùng Yamanashi, Kofum Fuefuki, Fuji Kawaguchiko, Nirasaki... thường tổ chức bán vé cho khách
du lịch Nhật Bản tham quan vườn nho và giới thiệu phương thúc chế biến nho thành rượu vang truyền thống. Tự tay chọn những chùm nho mình thích, cắt và mang về khu chế biến, chúng tôi được hướng dẫn mang những đôi ủng đã được làm sạch, đặt nho vào thau nhựa, mỗi thau 2-4 người bước vào đạp cho nho dập nát, sau đó chỉ cần lọc qua mảnh vải thưa là có ngay một ly nước nho nguyên chất cho du khách thưởng thức ngay thành quả của mình. Đương nhiên quá trình hình thành rượu vang nho còn dài sau đó, nhưng vang thành phẩm được bố trí đẹp mắt ngay cả trong khu trưng bày gần đó. Du khách có thể thử hương vị từng loại vang mình thích, đồng thời tha hồ lựa chọn các sản phẩm khác chế biến từ nho, vang để chọn mua làm quà tặng.
Sau khi thưởng thức đặc sản trái cây và rượu vang, chúng tôi ghé thăm ngôi làng Iyashino Sato nằm ở hướng nam hồ Saiko dưới chân
núi Phú Sĩ, gồm 27 căn nhà được tái kiến thiết với mái rạ theo kiểu nhà cổ điển đẹp nhất tại Nhật Bản. Ngôi làng nguyên thủy đã bị thiên tai tàn phá hơn 40 năm trước, hiện căn số 22 được sử dụng chính những cây gỗ cũ của hàng phục chế, 26 căn còn lại được xây theo đúng hình dáng xưa. Những ngày đẹp trời, đây là một trong những nơi ngắm núi Phú Sĩ đẹp nhất. Ngoài phong cảnh tươi đẹp, anh lành, du khách có thể được trải nghiệm các nghề thủ công hoặc các món ăn truyền thống của Nhật ngay tại làng bình yên xinh đẹp này, du khách có thể đến khu cho thuê phục trang, đạo cụ để biến mình thành những nhân vật mình yêu thích như: phụ nữ Nhật với kimono, samurai, ninja ...
Ngôi nhà tái thiết kế tại Yamanashi - Nhật Bản
Nhắc đến kimono thì không nên bỏ qua bảo tàng Kubota Itchiku tọa lạc tại số 2255, Kangwaguchi, Fujikawaguchiko-machi, Minamitsuru-gun,
Yamanashi. Ông Kubota Itchiku (1917 - 2003) bén duyên với kỹ thuật chế tác kimoto truyền thống bằng bay khi ông 20 tuổi, bị cầm tù suốt thời gian chiến tranh thế giới thứ II, khi trở về ông dồn tâm huyết vào việc phục chế và thiết kế
kimono. Sau 29 năm sau ông mới có cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 1977, khi ấy ông tròn 60 tuổi. Những cuộc triển lãm kimono tại Paris, New York và London sau đó đã mang lại cho những giải thưởng danh giá và được thế giới ngưỡng mộ. Vào năm 1994, Itchiku Kubota Art Museum được khai trương và hoạt động cho tới hôm nay.
Bảo tàng do chính gia đình ông gây dựng, kiến trúc độc đáo hòa cùng không gian xanh mát của khu vườn xung quanh tạo thành một bức tường sống động. Ngoài đam mê sưu tầm phụ kiện, trang sức cổ trên thế giới, thì hầu như cả cuộc đời ông dành trọn cho bộ kimono truyền thống. Nơi đây trưng bày hơn 80 bộ kimono, đặc biệt những bộ sưu tập theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông do chính tay tay ông chọn sợi, pha màu, tạo nếp cho vải và may. Những công đoạn này kéo dài trong suốt 2 năm mới hoàn thành 1 chiếc
kimono truyền thống. Giá trị và công sức đã đem lại sự tuyệt mỹ về hoa văn, họa tiết và màu sắc cho từng
bộ kimono khác nhau. Hiện nay, con trai ông đang quản lý bảo tàng và theo đuổi con đường cha mình đã chọn. Anh đang cố gắng hoàn tất những bộ sưu tập mà cha mình thực hiện còn dang dở trước khi mất.
Bảo tàng Kubota Itchiku - Nhật Bản
Chúng tôi thao thức trong đêm bởi thông tin 3:50 sáng sẽ đánh thức mọi người lên chặng 5 của
núi Phú Sĩ xem mặt trời mọc ở độ cao 2205m so với mặt nước biển. Sau hơn 1 giờ đi xe, đến trạm dừng xem mặt trời mọc trong thời tiết lạnh cóng. Từ độ cao này nhìn xuống, mây bồng bềnh dưới chân, thấp thoáng trong vài ngọn núi khác thật huyền ảo. Rồi mặt trời đỏ ối ló dạng làm bức tranh thiên nhiên trở nên lung linh. Với người Nhật,
núi Phú Sĩ là "ngọn núi thiêng" che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành. Phú Sĩ nổi tiếng trên toàn thế giới như là biểu tượng của sự kiên cường của người Nhật. Sự hùng vĩ của ngọn núi lửa, được điểm xuyết đắt giá bởi 5 hồ nước bao quanh mênh mông và thơ mộng. Phú Sĩ bốn mùa thay áo, mùa nào cũng để lại ấn tượng mạnh cho du khách khi đến đây. Qua bao lần phun trào đã tạo nên hình dáng
Phú Sĩ sừng sững của hôm nay để đón chào hàng trăm nghìn du khách đến thăm. Ngày 22/6/2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh núi Phú Sĩ, nằm trên địa phận hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka vào danh sách Văn hóa thế giới.
"Tắm tiên" Onsen - Nhật Bản
Sau vài ngày háo hức khám phá đất nước xanh, sạch này, tắm Onsen để phục hồi thể trạng được nhiều du khách yêu thích. Có người ví von đến Nhật mà không tắm Onsen coi như chưa
đi Nhật Bản. Được "tăm tiên" tập thể đúng nghĩa trong nguồn suối thiên nhiên nóng khoảng 40-45 độ từ các núi lửa, chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe là một trải nghiệm thú vị. Nguồn nước khoáng quý giá này được dẫn vào tận khách sạn, resort chứa trong các bồn lộ thiên hoặc trong phòng kín để phục vụ du khách. Khu vực nam, nữ riêng biệt, áo mặc sử dụng từ phòng nghỉ vào bồn tắm Onsen giống áo yukata, nên lưu ý khi mặc áo thì vạt bên phải gập vào người trước sau đó đè vạt bên trái lên ngoài và thắt đai lưng, không nên làm ngược lại. Sau khi tắm rửa sạch sẽ khu bên cạnh, bước vào bồn ngâm khoảng 30 - 60 phút, mọi mệt mỏi tan biến, da dẻ trở nên hồng hào, phục hồi sinh lực sau những ngày dài tham quan thắng cảnh.
Du lịch Nhật Bản đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng bởi sự chào đón nồng hậu, những món ăn truyền thống hấp dẫn, những điểm đến đẹp và thú vị. Mong có ngày trở lại đê hiểu sâu hơn về các điểm đến khác, về văn hóa, con người, ẩm thực của đất nước mặt trời mọc này.
Theo: Du lịch & Giải trí