Về vùng đất di sản văn hóa Kinh Bắc

13/09/2022

Top Ten News

Mục lục bài viết
Huyện Thuận Thành  (Bắc Ninh) nổi tiếng là miền quê quan họ đồng thời cũng là vùng đất dày đặc di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ghi đậm dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha. Bắc Ninh là vùng đất cổ của người Việt cổ, quê hương của những huyền thoại lịch sử, cái nôi của nền văn minh lúa nước có hàng nghìn năm lịch sử với những di sản văn hóa vô cùng đặc sắc.   Quan họ, di sản văn hóa Bắc Ninh Quan họ, di sản văn hóa Bắc Ninh   Trong những năm gầy đây, loại hình du lịch hướng về những giá trị văn hóa tâm linh đang thu hút đông đảo du khách. Thuận Thành chính là nơi phát triển tốt loại hình du lịch này, các điểm đến mang đậm ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên.   Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, hàng nghìn du khách từ khắp mọi miền đất nước lại tìm về khu di tích Đền thờ và Lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quận, Âu Cơ, thủy cổ của dân tộc Việt Nam ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành để tưởng nhớ, tri ân, thờ phụng.   Hai ngôi đền cổ ở phía tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ có quy mô kiến trúc khá lớn, chạm khắc trang trí "tứ linh, tứ quý" lộng lẫy. Trải qua biến thiên của thời gian, quần thể di tích còn lưu giữ được những di sản quý giá như thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội. Ðây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.   Ðến với xứ Kinh Bắc cũng là đến với đất Phật, trong đó Thuận Thành có chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam, không chỉ mang nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi khơi nguồn của đạo Phật ở nước ta. Ðây là một trong những công trình di tích tín ngưỡng tiêu biểu, thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nơi đây cũng là trung tâm thành cổ Luy Lâu có từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Chùa Dâu ngày nay là quần thể kiến trúc đã được tu sửa từ thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18) kết hợp nhuần nhuyễn tín ngưỡng dân gian của người Việt với đạo Phật, gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và Tứ Pháp (thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp). Ngôi chùa vẫn duy trì các nhóm tượng thờ theo phong tục, tín ngưỡng thờ tự của Phật giáo thời Lê với nhiều hiện vật có giá trị, nhất là bản sắc "Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh" có từ năm 1752 và sáu đạo sắc phong. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định chùa Dâu là "Tổ đình của Phật giáo Việt Nam" và được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.   Cùng với chùa Dâu, chùa Bút Tháp là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình hành hương, du xuân đầu năm của nhiều phật tử và du khách. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bút Tháp ở thôn Bút Tháp, xã Ðình Tổ, huyện Thuận Thành cũng đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Chùa được xây dựng từ thế kỷ 17 và lưu giữ nhiều tác phẩm tuyệt mỹ, nhất là bảo vật tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Tượng được tạc vào năm 1656, cao 2,35 m có 11 đầu, 42 cánh tay lớn và hơn 900 cánh tay nhỏ. Một trong những vẻ đẹp tuyệt vời của pho tượng là cánh tay lớn hoàn toàn trong tư thế tự do thanh thoát với những động tác mềm mại. Những cánh tay tỏa ra sau lưng như vầng hào quang rộng mở, trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt như soi rọi cõi đời và thấu hiểu tâm can mỗi người.

Theo Nhân dân Điện tử

CÁC TOUR DU LỊCH QUỐC TẾ HẤP DẪN TẠI TOP TEN TRAVEL: Du lịch Campuchia, Du lịch Mỹ, Du lịch Singapore