Văn hóa và phát triển làng du lịch Nga ở Mũi Né

13/09/2022

Top Ten News

Mục lục bài viết

"Sa-ha-ra của châu Á" hay "Thiên đường nghỉ dưỡng phương Ðông" là những mỹ từ mà nhiều tờ báo, trang tin hay hãng lữ hành quốc tế dành cho vùng biển tươi đẹp Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Và với các nhà đầu tư người Nga đang sinh sống, kinh doanh, tận hưởng cuộc sống yên bình ở xứ sở nhiệt đới này, thì từ lâu, nơi đây đã như quê hương thứ hai của họ.

 

làng du lịch Nga

 

1. Du lịch và những cơ hội kinh doanh

 

Tại một quán ăn nhỏ trên đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Hàm Tiến), ông Mi-kha-in Gla-cốp, du khách đến từ vùng Xi-bê-ri-a giá lạnh, vừa nhâm nhi bia Việt, vừa thưởng thức bánh xèo hải sản thơm phức, rôm rả trong câu chuyện với vài người đồng hương và cả cậu bé người Việt Nam phục vụ bàn: "Tôi phải cảm ơn chị bạn Ma-sa vì đã quả quyết rằng, tôi nhất định nên đến đây. Thời tiết ấm áp, bãi biển đẹp và đồ ăn rất ngon. Tôi đã ở ba tuần, và thật sự, tôi chưa nghĩ đến khi nào sẽ quay về". Ðồng tình với ông, cô gái trẻ I-ri-na, nhân viên văn phòng một công ty du lịch, cũng kể lại câu chuyện của mình. Năm năm trước, I-ri-na đến Mũi Né trong một kỳ nghỉ sau khi tốt nghiệp đại học. Bị mê hoặc bởi bờ biển dài đầy nắng gió và cuộc sống dễ chịu nơi đây, cho nên khi về nước, cô đã xin vào ngành du lịch và chọn Mũi Né làm điểm đến. Tận dụng cơ hội miễn thị thực (visa) cho công dân hai nước vào năm 2009, I-ri-na đã trở lại Việt Nam với toàn bộ số tiền dành dụm được để bắt đầu một cuộc lập nghiệp mới. Tới nay, cô đã quá quen thuộc với công việc tổ chức tua cho khách Nga, cũng như với nếp sống và văn hóa Việt Nam. Cô cho biết, ngày càng nhiều khách du lịch Nga đến với khu du lịch biển này, và số công dân Nga sang định cư, lập nghiệp cũng không ít.

 

Làng  Nga đi qua các tuyến đường Nguyễn Thông, Nguyễn Ðình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng nối liền Phan Thiết - Hàm Tiến - Mũi Né, đâu đâu chúng tôi cũng thấy các cửa hàng, khách sạn, quán xá, tiệm ăn trưng bảng hiệu cung cấp dịch vụ lữ hành, mát-xa, cho thuê xe máy, thực đơn... bằng song ngữ Việt - Nga. Người buôn bán ở vỉa hè, không bảng hiệu, không nói được tiếng Nga, cũng làm sẵn những tờ giới thiệu để du khách xem. Bất kể sáng sớm hay chiều tối, đều dễ dàng bắt gặp những chàng trai Nga da rám nắng chạy bộ rèn luyện sức khỏe, hoặc từng tốp thiếu nữ Nga tóc vàng óng ả dạo phố mua sắm, hoặc những gia đình nhỏ tay trong tay thong thả về phòng nghỉ sau khi tắm biển... Chẳng thế mà chừng hơn mười năm trở lại đây, khu vực này vẫn được gọi bằng cái tên mộc mạc, trìu mến là "làng Nga" Mũi Né.

 

Thông thường từ tháng 9 đến đầu tháng 3 năm sau là mùa cao điểm du lịch, người Nga đổ về Mũi Né đón nắng ấm và chơi các môn thể thao dưới nước như một hình thức tránh mùa đông phương bắc. Không có giá rét, gió mạnh, trời đẹp và không gian trong lành, Mũi Né hội tụ đủ các yếu tố để "lấy điểm" ngay trong mắt họ. Theo I-van Nguyen, có cha là người Việt, mẹ người Nga, anh kiếm được hàng nghìn USD mỗi tháng với công việc làm huấn luyện viên môn dù lượn. Nắm bắt tâm lý thích lướt ván, lướt sóng, đi ca-nô, chơi dù lượn của người Nga, khoảng 70% khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở đây có cung cấp các dịch vụ đó - I-van cho biết thêm.

 

Có lẽ cũng nên nhắc lại một chút về nguyên nhân thú vị khiến người Nga bỗng nhiên trở thành khách du lịch tập trung đông đúc nhất tại Hàm Tiến, Mũi Né. Ngót hai mươi năm trước, làng chài bình yên và đơn sơ Mũi Né đã chứng kiến một hiện tượng thiên văn học đặc biệt: dải nhật thực toàn phần cực kỳ hiếm có quét qua một vùng rộng lớn. Ðông đảo nhà khoa học, nhà báo, nhà nhiếp ảnh cũng như du khách trong và ngoài nước tìm đến bởi đây được cho là điểm quan sát lý tưởng. Sự kiện nhật thực qua đi, khi ấy tất cả ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quyến rũ của những đồi cát mênh mông, óng ánh và bờ biển dài hun hút xanh trong như ngọc. Ðoàn chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học Nga bấy giờ về nước chắc hẳn đã ra sức quảng bá cho hình ảnh một bãi biển tuyệt vời ở Phan Thiết. Không bỏ lỡ cơ hội, các công ty lữ hành ở Nga lập tức tiến hành khảo sát và thiết lập các tua, tuyến du lịch khám phá và trải nghiệm. Tiếng lành đồn xa, Mũi Né trở thành cái tên hàng đầu. Và đó là một phần nguyên nhân giúp khu Hàm Tiến-Mũi Né trở thành một "làng  Nga". Tuy nhiên phải tới những năm 2000, tỉnh Bình Thuận mới bắt đầu có các chính sách "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch (chủ yếu hướng tới cộng đồng người Việt tại châu Âu). Cơ chế mở, với thủ tục hành chính nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các dự án mới, đã khiến "thủ đô resort" thêm luồng sinh khí mới, tiến những bước dài.

Giờ đây, những mặt hàng lưu niệm như búp bê Matryoshka, cây đàn balalaika và những bức ảnh Quảng trường Ðỏ, Ðiện Crem-lin là vật trang trí phổ biến trong các sảnh chờ khách sạn, các nhà hàng, quán rượu ở Hàm Tiến- Mũi Né. Người ta nghe những bản nhạc hiện đại, nhưng cũng không thể thiếu vắng đi giai điệu tình tứ, êm dịu, ngọt ngào của những ca khúc: Chiều Mát-xcơ-va, Ðôi bờ, Ca-chiu-sa, Triệu đóa hoa hồng... Anh Hải, khách du lịch từ Hà Nội lần đầu đến Mũi Né đã phải thốt lên: "Tôi bị ấn tượng mạnh mẽ bởi một góc nước Nga thu nhỏ nơi phố biển này. Nó làm tôi nhớ đến những năm tháng du học ở xứ sở bạch dương xa xôi, nhớ bạn bè, thầy cô và mọi thứ...".

 

2. Ðất lạ hóa quê hương

 

Từng có dịp tham quan gian hàng Mũi Né - Phan Thiết tại hội chợ du lịch quốc tế MITT diễn ra tại Mát-xcơ-va năm 2010, anh Xéc-gây La-rốp đã có một quyết định mang tính bước ngoặt: tìm kiếm cơ hội kinh doanh và cuộc sống mới ở Việt Nam. Những ngày đầu khăn gói sang đến Mũi Né, anh gặp rất nhiều khó khăn, từ chuyện bất đồng ngôn ngữ đến chuyện tìm mặt bằng làm nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, nhờ quan niệm "ở đâu cũng vậy, chỉ cần chăm chỉ và chịu khó thì vận may sẽ đến", anh đã từng bước ổn định được công việc làm ăn. Không chỉ có vậy, duyên phận còn mang đến cho anh một cô gái Việt Nam xinh đẹp, đảm đang để yêu thương và cùng xây dựng cuộc sống. Chuyện chồng Nga, vợ Việt hoặc chồng Việt, vợ Nga đã không còn xa lạ ở nơi mà hai dân tộc cùng sinh sống gần gũi, chan hòa. Nhiều gia đình Việt - Nga ở đây tụ họp thành một câu lạc bộ và thường xuyên tụ tập giao lưu. Khi là bữa tiệc sinh nhật, khi thì là buổi lễ tân gia, hay những dịp lễ, Tết. Những cô bé, cậu bé mang trong mình dòng máu hai dân tộc được bố mẹ dạy cả tiếng Việt lẫn tiếng Nga để các em hiểu biết và yêu mến cả hai nền văn hóa vốn rất đậm đà bản sắc.

 

Có thể nói rằng, người Nga đến đây không còn chỉ để trốn một mùa đông lạnh lẽo hay tìm cảm giác mạnh trong những môn thể thao dưới nước với sóng và gió Mũi Né nữa. Họ đã đầu tư vào đây và nhiều người trong số đó đã thật sự coi nơi đây như một quê hương thứ hai. Khắp "làng du lịch Nga" ở Hàm Tiến có rất nhiều cửa hàng, dịch vụ của người Nga, hoặc do người Nga và người Việt chung vốn cùng làm. Ðó cũng là một cơ hội không nhỏ cho người Việt khai thác. Những người trẻ cố gắng học tiếng Nga để giao tiếp được với khách du lịch cũng nhiều hơn. Có rất nhiều kênh thông tin được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm du lịch, chẳng hạn như trang web Muine.ru, được thực hiện bởi một nhóm cộng tác viên cả người Nga và người Việt. Tất cả đều nhằm góp phần đưa nước Nga đến gần hơn nữa, giúp lữ khách hiểu thêm về Mũi Né trước khi chọn điểm đến cho những kỳ trú đông dài trong năm.

 

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng nêu trên, ngành du lịch và ngành văn hóa địa phương không phải là không có những vấn đề cần sớm được giải quyết. Thời gian gần đây, môi trường du lịch ở Mũi Né đang dần bị ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt. Dọc bãi biển Hàm Tiến, Hòn Rơm, rác tồn đọng có khi cả tháng mới được dọn dẹp; hiện tượng thiếu trung thực, "chặt chém", "bắt nạt" khách nước ngoài cũng bắt đầu xuất hiện. Có "thâm niên" trong cộng đồng người Nga ở Mũi Né, ông I-go, chủ một nhà hàng ẩm thực thuần Việt, thẳng thắn bày tỏ: "Thời gian tới, du khách người Nga tới Việt Nam sẽ tăng tiếp. Hàm Tiến - Mũi Né có dịch vụ lưu trú là tốt, còn những điểm vui chơi giải trí về đêm, các điểm chăm sóc sức khỏe thì vẫn thiếu. Người Nga hay đi du lịch cả gia đình nhiều thế hệ, nên cũng cần nghiên cứu phát triển các dịch vụ cho người già và trẻ em".

 

Mặt khác, vị thế độc tôn của Mũi Né trên bản đồ du lịch của khách Nga đang phải chia sẻ cho Du lịch Nha Trang, du lịch  Ðà Nẵng và Phú Quốc, bởi những địa phương này có sân bay quốc tế và có đường bay thẳng từ Nga, thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều so với phải bay vào TP Hồ Chí Minh, rồi thêm sáu tiếng ngồi xe buýt mới tới được Mũi Né. Trước thực tế này, tỉnh Bình Thuận đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải về đề án quy hoạch sân bay Phan Thiết, dự kiến sẽ khởi công trong năm nay. Khi sân bay đi vào hoạt động, Mũi Né - Phan Thiết sẽ khắc phục được điểm yếu về giao thông đối ngoại. Nhiều tổ chức xã hội, giáo dục của tỉnh cũng liên tục mở các lớp dạy tiếng Nga, tập huấn về văn hóa kinh doanh để giúp các cơ sở lưu trú, dịch vụ chuẩn bị đón khách tốt hơn. Thiết nghĩ, trong một giai đoạn lâu dài, nên có thêm trường học quốc tế, rồi nhà văn hóa cộng đồng để cư dân Nga yên tâm làm ăn kinh doanh. Về điều này, có thể học tập mô hình "làng Nga" của cán bộ dầu khí Vietsovpetro ở Vũng Tàu.

 

Những câu chuyện về người nước ngoài đến lập nghiệp tại vùng đất này cho thấy, du khách Nga đến du lịch Phan Thiết đều nghỉ dưỡng tại Mũi Né không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương mà còn cho cả chính họ. Và hơn thế nữa, đó là một cuộc hòa nhập, giao lưu văn hóa trên mọi lĩnh vực, là dịp để củng cố, thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc. Hình bóng xứ sở bạch dương, hương vị Nga, những sứ giả của văn hóa Nga xa xôi đang từng ngày, từng giờ hiện diện trên đất nước Việt Nam, thật gần gũi, thân thương.

Nguồn: Báo Nhân dân Điện tử