Với sự kiện Olympic Sochi 2014, Thế vận hội mùa đông đã đặt dấu mốc 22 lần tổ chức. Tương tự như Thế vận hội mùa hè, đại hội thể thao này cũng được triển khai 4 năm một lần. Tuy nhiên, nếu so về quy mô cũng như danh tiếng thì nó hoàn toàn lép vế trước “người đàn anh” của mình.
Chỉ thịnh hành ở phương Tây
Thế vận hội mùa đông lần thứ nhất được tổ chức ở Chamonix, Pháp vào năm 1924. Tuy nhiên, “bản demo” đầu tiên của nó đã xuất hiện từ trước đó hơn 20 năm với người tiên phong là Viktor Gustaf Balck (1844 - 1928).
Hình ảnh trượt tuyết ở những kì Thế vận hội mùa đông đầu tiên
Phiên bản ban đầu có tên gọi là Nordic Games. Giải đấu gồm những môn thể thao mùa đông dành cho các quốc gia ở Bắc Âu, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901. Sau đó, thì được phát triển thành định kì 4 năm một lần. Với việc tổ chức ra Nordic Games, Viktor Gustaf Balck được xem là “cha đẻ” của Thế vận hội mùa đông hiện nay.
Với đặc thù là các môn thể thao mùa đông (gắn liền với băng tuyết), kì Thế vận hội này “kén chọn” khu vực và quốc gia tham dự. Vì lý do đó mà các quốc gia phương Đông hay các quốc gia gần xích đạo ít có điệu kiện tham gia.
Mỹ là quốc gia đăng cai Thế vận hội mùa đông nhiều nhất
Tính luôn năm nay, 22 lần diễn ra Thế vận hội mùa đông đều chủ yếu được đăng cai bởi các quốc gia phương Tây. Mỹ là quốc gia đăng cai Olympic mùa Đông nhiều nhất với 4 lần, tiếp theo đó là Pháp với 3 lần tổ chức. Quốc gia phương Đông duy nhất đăng cai Thế vận hội mùa đông là Nhật Bản.
Sự hạn chế về quy mô, số lượng quốc gia tham gia một phần nữa bởi tính phổ biến của các môn thể thao của đại hội. Không như: điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền… mang tính đại chúng của Thế vận hội mùa hè. Các môn thể thao mùa đông: trượt tuyết, khúc côn cầu, trượt băng nghệ thuật… của mùa đông rất hạn chế người chơi. Đa phần chỉ những người thực sự yêu thích và muốn theo đuổi con đường tập luyện chuyên nghiệp mới có cơ hội tiếp xúc với các môn thể thao này.
Cú hích Sochi, kéo gần khoảng cách “anh, em”
Cùng được tổ chức 4 năm một lần bởi Ủy ban Olympic Quốc tế, cùng là ngày hội thể thao của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chỉ khác biệt duy nhất ở thời điểm tổ chức. Vì thế, chúng ta có thể ví von rằng 2 kì Thế vận hội này như hai “anh em”.
Từ khi ra đời đến nay, Thế vận hội mùa hè luôn được xem là sự kiện thể thao danh giá nhất, quy mô nhất hành tinh. Là “người em” phải chịu cái bóng quá lớn của “đàn anh” che lấp, vì thế sự lép vế khi so sánh là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy trong mỗi lần tổ chức, sự quan tâm của truyền thông cũng như người dân đều nghiêng nhiều về mùa hè. Còn Thế vận hội mùa đông thì dường như rất ít được nhắc đến, thậm chí còn có người không biết đến sự tồn tại của nó.
Lễ khai mạc Olympic Sochi 2014 đã diễn ra tương đối tốt đẹp
Trước Olympic Sochi 2014, nhiều người vẫn hoài nghi khả năng lan tỏa và vươn lên mạnh mẽ của Thế vận hội mùa đông. Nhưng tất cả những gì đã diễn ra mấy ngày qua đã xóa tan mọi nghi ngờ đó.
Mặc dù là lần đầu tiên được đăng cai một kì Thế vận hội mùa đông nhưng cho tới thời điểm hiện tại Nga đã làm quá tốt công tác tổ chức và truyền thông. Hơn 50 tỉ USD được “rót” trong công tác tổ chức. Thêm vào đó là những hoạt động quảng bá rộng rãi đã giúp hình ảnh của Thế vận hội mùa đông đến gần hơn với sự theo dõi của người dân Nga nói riêng và thế giới nói chung.
Olympic Sochi 2014 đã quảng bá rất tốt cho đến thời điểm hiện tại
An ninh cũng là điều mà Olympic Sochi (Nga) đang làm tốt. Mặc dù, thời điểm này ở xứ sở Bạch Dương đang khá nhạy cảm với tình trạng khủng bố. Nhưng trong cái rủi có cái may, nếu xử lý ổn thỏa vấn đề này sẽ là một “chiêu PR” cực kì tốt để nâng tầm Thế vận hội mùa Đông Sochi cũng như các kì lần sau.
Hy vọng với cú hích Sochi 2014, Thế vận hội mùa đông sẽ ngày càng trở nên gần gũi trong mắt người hâm mộ thể thao. Cũng như kéo gần khoảng cách với “đàn anh” Thế vận hội mùa hè trong tương lai không xa.
T.Thi (Top Ten Travel)