Giữa khơi xa trập trùng sóng vỗ, hiển hiện trên mầu xanh của biển trời Trường Sa và màu xanh của những hàng cây phong ba vững vàng trước gió bão, vẫn mềm mại, thân thương một dáng hình chùa Việt, vẳng tiếng chuông ngân yên bình giữa thinh không.
Ngay từ những năm tháng xa xưa, khi hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải vâng lệnh chúa Nguyễn ra hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tuần tra, khai thác hải sản, họ và ngư dân Việt Nam đã dựng lên trên nhiều đảo không chỉ có bia mốc ghi dấu chủ quyền đất nước mà còn cả những am thờ, miếu thờ để cầu trời, khấn Phật phù hộ, đô trì. Trong công cuộc khai phá lãnh thổ, khẳng định và bảo vệ chủ quyền Việt nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của cha ông những am, miếu, ngôi chùa chính là nơi đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân.
Chùa Trường Sa
Chùa ở Trường Sa mang nét đặc trưng kiến trúc của chùa Việt Nam truyền thống và đều đặt ở vị trí hướng mặt về Thủ đô Hà Nội với mái cong, ngói vẩy có đầu đao, thường là theo kiểu kiến trúc một gian, hai chái hoặc ba gian, hai chái tuỳ theo quy mô diện tích. Các công trình phần lớn đều được xây bằng đá, gạch và các loại gỗ quý bền, chắc.
Trong chùa có nhiều bức hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng bằng chữ quốc ngữ thể hiện theo kiểu thư pháp. Chùa lớn nhất và cũng là ngôi chùa nằm ở hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa là chùa Song Tử Tây. Chùa có tam quan hai tầng, tám mái, chính điện ba gian, hai chái, có tả hữu vu cùng khuôn viên sân vườn khá đẹp.
Ngôi chùa được thiết kế phù hợp với tổng thể quy hoạch kiến trúc khu dân cư và các công trình như hải đăng và tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trên đảo, tạo thành một quần thể kiến trúc văn hóa - lịch sử và tâm linh tiêu biểu của người Việt trên Biển Đông. Đứng thứ hai về quy mô là chùa trên đảo Trường Sa Lớn nằm ở trung tâm thị trấn Trường Sa có hệ thống sân vườn khá rộng và tòa chính điện gồm một gian, hai chái bên trong có tượng Phật bằng đá quý mầu trắng là quà tặng của Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa. Nhỏ hơn hai ngôi chùa trên là chùa trên đảo Sinh Tồn có dáng vẻ bình dị của ngôi chùa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ với một gian, hai chái, tường bao trổ hoa, nhưng điều đặc biệt là trong sân vườn của chùa có những cây bồ đề xanh ngắt buông tán bên những cây bàng vuông và hàng phong ba cứng cáp.
Chùa Song Tử Tây
Những ngôi chùa trên các đảo của Trường Sa từ lâu nay đã có các sư trụ trì và là nơi thường xuyên được ngư dân ghé vào thăm viếng, thắp hương lễ Phật cầu cho quốc thái dân an, cho biển thuận, gió hòa. Tại đây cũng thường xuyên diễn ra những lễ hội, cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ và bao thế hệ người Việt đã bỏ mình trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nói, những ngôi chùa đã trở thành biểu tượng của văn hóa tâm linh Việt, thể hiện khát vọng hòa bình và là sự khẳng định đầy thuyết phục, tiếp nối liên tục quá trình thực thi chủ quyền dân tộc trên hai vùng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Top Ten Travel tổng hợp
Nguồn:Báo Nhân dân Điện tử