Chuyến trở lại miền Trung lần này là một khác biệt, đó là hành trình đi ngược dòng sông Côn, khởi đầu từ đầm Thị Nại đi tiếp lên thượng nguồn. Hành trình đi qua những tầng tháp cổ ngàn năm của một vương triều Vijaya xưa, đến quá khứ hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ ... Sức hấp dẫn và cuốn hút khiến người ta cứ mải miết tìm về sông Côn - dòng sông mẹ của quê hương Bình Định, hẳn chính từ những nét đẹp như thế...
Thương cảng xưa
Với người Bình Định, dòng sông Côn chính là huyết mạch gia thương sản vật giữa hạ lưu biển Đông - đầm Thị Nại và dãy Trường Sơn thượng nguồn, "ai về nhắn với nậu nguồn, măng lê gửi xuống cá chuồn gửi lên". Để khám phá cận cảnh vẻ đẹp đầm Thị Nại, tôi tìm đến chân cầu, thuê chiếc ghe nhỏ lênh đênh ra đầm lúc bình minh lên, cũng là lúc ngư dân bắt đầu một ngày làm việc mới. Giữa đầm, dòng chảy tạo thành những đụn cát ẩn trong đó đủ loại nghêu, sò, ốc là sản vật nuôi sống ngư dân trên đầm từ bao năm qua.
Bình minh trên đầm Thị Nại đẹp như bức tranh quê hương đầy màu sắc, ghe xuồng tấp nập khắp nơi trên mặt đầm, với đủ phương tiện đánh bắt, từ thủ công, đến xuồng máy, rò bắt cá, thả vỏ, đánh lưới... tạo nên một khung cảnh hối hả, nhộn nhịp trong nắng sớm ban mai.
Dòng sông Côn - Bình Định
Ngày xưa, đầm Thị Nại từng là một cảng thị quốc tế quan trọng, những sản vật của núi rừng Trường Sơn xuôi sông Côn tìm về và từ đó theo tàu buôn xuyên đại dương ra thế giới. Từ năm 1470, vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho Thị Nại là thương cảng quốc tế nhộn nhịp nhất nước Nam. Năm 1288, nhà phát kiến địa lý Marco Polo khi đến đầm Thị Nại đã hết lời ca ngợi vùng này nhiều voi, trầm hương và gỗ quý.
Vẻ đẹp mỹ miều đầm Thị Nại
Ngoài vị trí chiến lược về kinh tế, đầm Thị Nại cũng là điểm khởi đầu du nhập các nền văn hóa từ phương Tây vào vùng đất này. Năm 1330 một linh mục dòng Phanxico là Odoric Pordenone người Ý đã vào cảng Thị Nại tìm đường truyền giáo. Và từ đó hai bên bờ sông Côn đã hình thành rất sớm các kiến trúc tôn giáo kiểu Âu Châu, tạo nên một giá trị giao lưu văn hóa trong kiến trúc cổ cũng như dấu ấn về một thời mở cửa rất sớm của sông Côn - đầm Thị Nại ra với thế giới bên ngoài. Những kiến trúc cổ ấy nay còn lại là nhà thờ Lòng Sông, Chánh Mẫn, Bắc Phái, Nước Mận, Gò Bồi...
Thông điệp từ tháp cổ
Người ta gọi sông Côn là dòng sông cổ tích, nó gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bình Định xưa, nơi một thời cực thịnh của vương triều Vijaya, Chămpa. Hành trình ngược dòng sông Côn chính là chuyến khám phá nét đẹp cổ kính của hệ thống đền tháp đôi bờ sông Côn phía hạ lưu.
Điểm đến đầu tiên là tháp bánh Ít, nằm trên một quả núi thấp được xây dựng khoảng từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về khu tháp này trong mục "Thổ sơn cổ tháp", cho biết tục danh tháp là Thị Thiện với lý giải dưới chân núi đất xưa có quán bán bánh ít của một người đàn bà tên gọi Thị Thiện. Không rõ truyền thuyết về người đàn bà bán bánh ít ngằn năm trước ra sao, nhưng dân địa phương từ lâu đã quen gọi di tích này là tháp bánh Ít và tên này chính thức được sử dụng trong việc công nhận di tích văn hóa quốc gia.
Vẻ đẹp Tháp Dương Long
Một cụm tháp độc đáo khác chính là Dương Long, được UNESCO đánh giá có mảng điêu khắc ấn tượng và phong phú nhất khu vực Bình Định. Chắc rằng chỉ có khối óc và lòng thành kính với đấng tối cao, bàn tay con người mới có thể tác tạo ra những công trình đồ sộ, kỳ bí và hấp dẫn như thế.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Dương Long tuy mang đặc trưng của tháp Champa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm nét của nghệ thuật Khmer và được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII đến thế kỷ XIII. Cách đây gần một thế kỉ, trong tác phẩm viết về các di tích Cham của tỉnh Bình Định, học giả người Pháp Lemire đã có một đoạn mô tả về tháp Dương Long khá chi tiết, theo đó, ba tòa tháp được xây cất trên một quả đồi với một cảnh rừng xoài và mít tuyệt đẹp. Cảnh trí giờ đây đã thay đổi nhiều, nhưng nét đẹp kỳ bí của tháp Dương Long vẫn không mất đi theo thời gian.
Sưu tầm