Du lịch nước ngoài dừng chân tại các quốc gia Hồi giáo là một trải nghiệm cực kỳ hấp dẫn và thú vị với nhiều du khách. Hồi giáo ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII hiện đang là tôn giáo có số lượng tín đồ đông thứ hai trên khắp thế giới (chỉ sau Cơ đốc giáo). Các tín đồ đạo Hồi phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc khắt khe, trong đó có 5 tín điều bắt buộc phải thực hiện được gọi là Năm Cột trụ của Hồi giáo. Ngay trong bài viết dưới đây, cùng Top Ten Travel tìm hiểu một số thông tin liên quan đến Năm Cột trụ quan trọng của Hồi giáo bạn nhé!

I. Tổng quan về Năm Cột trụ của Hồi giáo
Năm Cột trụ của Hồi giáo hiểu đơn giản là những nghĩa vụ tôn giáo bắt buộc đối với tất cả những người theo tôn giáo này và là những điều cơ bản để vận hành Hồi giáo. Năm Cột trụ này bao gồm: Tuyên xưng Đức tin - Shahada, Cầu nguyện - Salah, Bố thí - Zakat, Nhịn ăn - Sawm và cuối cùng là Hành hương - Hajj.
Chúng được biết đến và được thực hành bởi các tín đồ đạo Hồi trên khắp thế giới, bất kể sự khác biệt về vùng lãnh thổ và quốc gia. Tương tự như những tôn giáo khác, Hồi giáo cũng xem những Cột trụ và việc thực hành nó là tiêu chuẩn, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người phải tuân theo nó một cách hà khắc và rập khuôn.

Sự thực hành tôn giáo của mỗi cá nhân sẽ phụ thuộc tương đối vào niềm tin của họ, chẳng hạn như không phải tín đồ Hồi giáo nào cũng cầu nguyện mỗi ngày, cũng tuân thủ chế độ nhịn ăn nghiêm ngặt trong suốt tháng lễ Ramadan, cũng trích thu nhập của mình cho Zakat hay hành hương đến thánh địa Mecca,...
II. Tìm hiểu Năm Cột trụ quan trọng của Hồi giáo
Đối với các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, có 5 tín điều bắt buộc họ phải thực hành. Đặc biệt trong thời gian diễn ra tháng lễ chay Ramadan, những tín đồ đạo Hồi buộc phải tuân thủ nghiêm chỉnh 5 nghi lễ tôn giáo này theo quy định. Như đã trình bày ở trên, Năm Cột trụ quan trọng của Hồi giáo bao gồm: Tuyên xưng Đức tin - Shahada, Cầu nguyện - Salah, Bố thí - Zakat, Nhịn ăn - Sawm và cuối cùng là Hành hương - Hajj. Cùng Top Ten Travel tìm hiểu thêm về Năm Cột trụ này ngay sau đây bạn nhé!

1. Thứ nhất: Tuyên xưng Đức tin - Shahada
Cột trụ đầu tiên của Hồi giáo chính là Tuyên xưng Đức tin - Shahada, nhằm khẳng định niềm tin của mỗi tín đồ đối với tôn giáo với Thánh Allah và Muhammad - sứ giả cuối cùng của Thượng đế. Câu Shahada hoàn chỉnh: “Tôi thừa nhận rằng không có thánh thần nào ngoài Allah, và tôi chứng nhận Muhammad là sứ giả của Ngài.” Chứng ngôn Shahada là điều kiện duy nhất và cần thiết để một người có thể trở thành tín đồ Hồi giáo hoặc cải đạo sang đạo Hồi.

Lời chứng ngôn này được thốt lên năm lần mỗi ngày, trong các lần cầu nguyện của mỗi tín đồ Hồi giáo. Shahada chính là điều đầu tiên được truyền đạt đến một đứa trẻ mới sinh và cũng là điều cuối cùng nói với một người đang lúc hấp hối. Có thể thấy, các Cột trụ là nền tảng của một đời người - kể từ lúc họ sinh ra và cho đến khi họ chết đi.
2. Thứ hai: Cầu nguyện - Salah
Cột trụ thứ hai của Hồi giáo chính là Salah - cầu nguyện. Trước khi thực hiện nghi thức cầu nguyện, mỗi tín đồ Hồi giáo phải vệ sinh bản thân mình sạch sẽ như rửa tay, rửa mặt và chân của mình. Việc cầu nguyện này phải được thực hiện năm lần một ngày, vào các thời điểm: trước khi mặt trời mọc, buổi trưa sau khi mặt trời qua đỉnh, buổi chiều trước khi hoàng hôn, sau lúc hoàng hôn và buổi tối.
Các tín đồ Hồi giáo có thể thực hành nghi thức cầu nguyện tại bất cứ đâu như ở cơ quan, trường học,... Tuy nhiên, các thánh đường vẫn là địa điểm được các tín đồ Hồi giáo ưu tiên hơn cả để cầu nguyện do nơi này được xem là thích hợp để thực hiện các hành vi tôn giáo.

3. Thứ ba: Bố thí - Zakat
Cột trụ thứ ba của Hồi giáo chính là Zakat - bố thí. Theo đó, mỗi tín đồ Hồi giáo sẽ phải trích ra một phần tài sản của mình để giúp đỡ cộng đồng Hồi giáo, những người nghèo đói và bần cùng trong xã hội. Zakat là tín điều bắt buộc phải thực hiện đối với mọi tín đồ có khả năng thực hiện nó, đồng thời đây còn là trách nhiệm cá nhân của mỗi tín đồ Hồi giáo trong nỗ lực xóa đi sự chênh lệch giàu - nghèo và loại bỏ bất công khỏi xã hội.

4. Thứ tư: Nhịn ăn - Sawm
Cột trụ thứ tư của Hồi giáo chính là Sawm, tức sự nhịn ăn. Việc nhịn ăn này được diễn ra trong suốt tháng lễ ăn chay Ramadan theo lịch Hồi giáo. Theo đó, các tín đồ Hồi giáo sẽ nhịn ăn từ trước khi mặt trời mọc cho đến khi kết thúc hoàng hôn. Trong khoảng thời gian này, các tín đồ đạo Hồi không được phép cho bất cứ thứ gì vào miệng (bao gồm việc ăn uống, hút thuốc hay thậm chí là nói xấu người khác) cũng như tránh tuyệt đối các hành vi tình dục.

Quá trình nhịn ăn này nhằm để nhắc nhở các tín đồ Hồi giáo về việc tất cả mọi người đều được ban ân bởi Thánh Allah và trong xã hội có những hoàn cảnh kém may mắn hơn đang cần sự giúp đỡ của họ. Tháng lễ Ramadan cũng chính là khoảng thời gian để các tín đồ Hồi giáo củng cố niềm tin tôn giáo của mình, thực hiện các hoạt động thiện nguyện và thú tội.
5. Thứ năm: Hành hương - Hajj
Cột trụ cuối cùng của Hồi giáo chính là Hajj - hành hương. Trong cuộc đời của mỗi một tín đồ Hồi giáo, nếu có khả năng - họ sẽ phải thực hiện một chuyến hành hương đến Thánh địa Mecca trong tháng 12 theo lịch Hồi giáo. Khi đến Thánh địa Mecca, các tín đồ nam chỉ được mặc áo choàng đơn sơ, trong khi đó các tín đồ nữ sẽ mặc một bộ đồ giản dị hơn trang phục thường ngày rất nhiều. Điều này được cho là để nhắc nhở rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trước Thánh Allah.

Sau khi thực hiện xong chuyến hành hương này, những tín đồ Hồi giáo đó sẽ được gọi là Hajj (đối với nam) và Hajja (đối với nữ) - nhằm chỉ những người đã hành hương tới Thánh địa Mecca.

III. Một số lưu ý cần ghi nhớ khi đi du lịch các quốc gia Hồi giáo
Những quốc gia Hồi giáo thường có rất nhiều nguyên tắc khắt khe đặt ra dành cho người dân địa phương cũng như du khách nước ngoài. Chính vì thế, để đảm bảo có một chuyến đi thật sự an toàn, suôn sẻ và trọn vẹn, du khách cần phải có sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng về quốc gia Hồi giáo mình sắp đến.
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng cần ghi nhớ khi đi tour du lịch nước ngoài dừng chân tại các quốc gia Hồi giáo mà Top Ten Travel muốn giới thiệu đến các bạn!
- Học một vài câu giao tiếp thông dụng chưa bao giờ là thừa kể cả du khách du lịch đến bất kỳ quốc gia nào. Các tín đồ Hồi giáo có một câu chào rất phổ biến mỗi khi gặp nhau, đó là “Salamu alaikum” với ý nghĩa tốt đẹp “Mong bình an sẽ luôn đến bên bạn”.
- Du khách (nhất là du khách nữ) nên hết sức lưu ý vấn đề trang phục khi đi du lịch đến các quốc gia đa số là dân đạo Hồi. Khi ở ngoài đường hoặc những nơi tập trung đông người, du khách nhớ ăn mặc kín đáo và lịch sự, tuyệt đối không diện những bộ trang phục bó sát, áo hai dây, quần short để lộ da thịt quá nhiều,...

- Khi trò chuyện với những người theo đạo Hồi, du khách tuyệt đối không dùng ngón tay trỏ để chỉ vào một người hay một vật bất kỳ.
- Đừng quên tìm hiểu những điều cần lưu ý trong ăn uống của các quốc gia Hồi giáo để có thể dễ dàng thích nghi với ẩm thực và phong cách bản địa bạn nhé!
- Du khách nên tìm hiểu trước xem liệu quốc gia Hồi giáo mình sắp đến có cho phép uống rượu bia hay không, nếu có cũng tuyệt đối không uống rượu bia ở nơi công cộng.
- Không thể hiện tình cảm quá đà ở nơi công cộng có đông người qua lại, dù cho bạn có là vợ chồng hay người yêu đi chăng nữa.
- Du khách trong thời gian du lịch đến các quốc gia Hồi giáo nên tránh cầm hoặc nhận đồ ăn hay đồ lễ bằng tay trái. Khi tặng/nhận quà hoặc đỡ đồ ăn, du khách có thể dùng cả hai tay, tay trái đặt bên dưới đỡ tay phải, để thể hiện sự tôn trọng của mình.
- …

Những lưu ý quan trọng cần ghi nhớ khi đi du lịch các quốc gia Hồi giáo vừa rồi cũng đã kết thúc bài viết chia sẻ về Năm Cột trụ quan trọng của Hồi giáo của Top Ten Travel. Có thể thấy, ghé thăm các quốc gia Hồi giáo là một hành trình vô cùng thú vị, mang đến du khách cơ hội được trải nghiệm một nền văn hóa hoàn toàn mới mẻ với những nét đặc trưng riêng biệt. Hy vọng bài viết trên của nhà Top Ten Travel đã giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về Hồi giáo nói chung và Năm Cột trụ quan trọng nói riêng.
Bảo Trân