Nếu có dịp du lịch miền Tây, đến với Bạc Liêu, nơi nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản cổ nhạc lừng danh Dạ Cổ Hoài Lang, sau khi đi tham quan những di tích, thắng cảnh nổi tiếng, du khách hãy thưởng thức những món ngon cũng là đặc sản của địa phương.
Ghé vào quán ăn ở Giồng Nhãn (phường Nhà Mát), khi bụng đã sôi sau một hành trình dài, bạn hãy gọi đĩa bánh xèo Giồng Nhãn thơm ngon, giòn rụm cùng gỏi bánh tráng cuốn tép bạc, thịt phay. Chưa hết, còn món tôm luộc nước dừa và vọp nướng than hồng cũng là đồ nhậu "độc chiêu". Vậy mà bốn người ăn thoải mái chỉ hết chừng 150.000 đồng. Bánh xèo Giồng Nhãn ngon nhờ nhân làm bằng tép bạc đất tươi rói vốn sẵn có ở Bạc Liêu. Rau ăn kèm ngoài cải xanh, xà lách và các loại rau thơm thông thường còn có đọt sộp, đọt bằng lăng, đọt điều, đọt cóc, lá xoài non, lá cách...
Bún bò cay
Mon ngon Bac Lieu
Bún bò cay- Đặc sản của Bạc Liêu
Như tên gọi, bún bò cay được nấu với rất nhiều ớt sừng trâu chín đỏ tự nhiên, kích thích vị giác và bắt mắt người ăn. Bún bò cay thường bán vào buổi tối bên hông chợ đêm Bạc Liêu. Muốn ăn điểm tâm món này, trên đường đi ra biển Nhà Mát, qua khỏi cầu Cao Văn Lầu một đỗi chừng 200m phía tay trái cũng có một quán bán món này, thường rất đông khách ẩm thực.
Ai đã dùng qua một lần món ăn này sẽ khó quên bởi hương vị đậm đà và rất đặc trưng của nó! Nguyên liệu để nấu bún bò cay bao gồm: thịt bắp bò, gân, nạm bò miếng dày, bún tươi, dầu điều, hạt cà ri, nước dừa tươi, cam vắt bột quế, bột nghệ, sả, tỏi, gừng... Thịt bắp bò, gân bò xắt thành cục vuông chừng hai ngón tay, ướp với nước cam vắt, bột nghệ, bột quế, dầu điều, gừng, tỏi, hạt cà ri đã băm nhuyễn với ít muối, bột nêm để chừng một giờ cho thấm rồi cho vào nồi sao với tỏi, sả phi cho săn, ráo. Lót đáy nồi vài khúc sả cọng, đổ nước dừa xăm xắp, nấu cho tới khi thịt mềm thì để sôi liu riu. Ớt sừng trâu chín đỏ bỏ hột, xay nhuyễn để riêng, khi bớt lửa cho vào để lấy màu và vị cay. Sau cùng cho vào nồi một ít nước bột năng pha loãng để nồi nước hơi sệt và thêm một ít dầu điều cho có màu đẹp.
Mon ngon Bac Lieu
Vị cay nồng lẫn chua dìu dịu,đó cái vị khó quên của miền sông nước mà ai một lần nếm thử đều nhớ mãi
Tô bún bò cay đúng điệu có màu vàng sẫm đỏ, những cục thịt bắp, gân bò thơm phức nằm phủ lên mặt bún trắng tươi. Có người ăn kèm giò chảo quảy và không thể thiếu dĩa ngò gai, rau quế tươi xanh. Thịt bò chấm với muối hột đâm ớt, vắt lát chanh vào tô bún. Ăn tô bún có đủ hương vị: Thơm, ngon, ngọt, bùi, giòn, dai, béo, chua, cay...thấm đẫm vị giác, đổ mồ hôi sảng khoái.
Bánh canh hải sản
Mon ngon Bac Lieu
Bánh canh hải sản- Món ngon miền sông nướcChợ phường 2 Bạc Liêu có món bánh canh hải sản vào loại "độc chiêu". Sợi bánh canh được làm bằng gạo lúa mùa thơm ngon như gạo Móng Chim, Nanh Chồn, Nàng Thơm... và phải là gạo cũ ít nhất sáu tháng bởi làm bằng gạo mới, sợi bánh dễ bị dính cục. Yếu tố làm nên hương vị chủ yếu của bánh canh là nước lèo, được nấu bằng xương heo với tôm khô lạt, khô mực lá (nhưng bỏ vào bọc, chỉ lấy nước cốt) và được nấu đến khi tủy xương ra hết nước ngọt.
Thành phần chủ yếu trong tô bánh canh hải sản gồm: tôm lột vỏ, thịt cua biển xé nhuyễn, mực lá tươi, ruột hàu đá...và một ít thịt chân giò heo. Thêm vào tô bún hành lá xắt nhỏ, chút tiêu, chanh, ớt hiểm xanh, và chén nước mắm nguyên chất hoặc đĩa muối ớt để chấm hải sản.
Một tô bánh canh "chất lượng cao" như vậy giá chỉ khoảng 20.000 đồng ở các quán ăn Chợ Phường 2 với nhiều món ngon của các dân tộc anh em Việt- Khmer- Hoa và có cả bún cà ri dê, bún cay của người Ấn; tất cả đều bán với giá bình dân: chỉ tử 8.000 đồng đến 20.000 đồng.
Trước khi rời xứ sở của khúc hát Dạ Cổ Hoài Lang du khách đi tour miền Tây đừng quên ghé khu du lịch Nhà Mát giáp biển, chỉ cách thành phố Bạc Liêu chừng 8km, có nhà hàng nằm chơi vơi trên bãi bồi, xa bờ khoảng 200m, nơi có đủ đặc sản biển: cá kèo nướng vỉ, cua hấp bia, tép bạc nướng lụi, cháo nghêu, cá dứa nấu ngót.
Theo Doanh nhân cuối tuần
0 bình luận