Đà Lạt- thành phố du lịch nổi tiếng với khí hậu quanh năm mát mẻ, con người hiền hòa thành lịch mến khách. Từ lâu Đà Lạt còn biết đến là "Thành phố biệt thự", "thành phố trong rừng". Với hàng ngàn biệt thự cổ kính, ẩn mình giữa đại ngàn thông xanh, luôn làm ngất ngây người dân và du khách du lịch Đà Lạt. Bởi kiến trúc Đà Lạt đậm chất châu Âu thế kỉ XIX, là sự hoài niệm của người Pháp ở Đông Dương.
Tôi yêu Đà Lạt qua phim ảnh, âm nhạc, sách báo từ nhỏ. Đà Lạt thành phố ngàn hoa, thành phố trong sương đẹp và thơ mộng đến nao lòng. Đà Lạt như mảnh "châu Âu thu nhỏ" mà tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam. Và thế là năm 1984 tôi quyết định chuyển hẳn vào Đà Lạt sinh sống và lập nghiệp. Được ở biệt thự 12 Nguyễn Du, thật hạnh phúc, ấn tượng và tiện ích. Biệt thự tầng này (3 hộ ở thoải mái) tường xây gạch rất dày, 4 mái lợp ngói, 3 lò sưởi, sàn và trần nhà bằng gỗ, cửa ra vào và cửa sổ (trong kính ngoài chớp) mở ra bốn phía, mát mẻ khi trời nóng, ấm áp khi trời lạnh và có ban công nhìn ra rừng thông rất đẹp. Khám phá thêm mới biết, dọc hai bên đường Nguyễn Du, Quang Trung, Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo... coa hàng ngàn biệt thự cổ còn tuyệt mỹ hơn nhiều. Ban đầu tôi ngờ rằng Đà Lạt được xây dựng từ cuộc thi "kiến trúc châu Âu" nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nhân loại. Bởi gần 2000 biệt thự cổ ( không thấy hai biệt thự cổ giống nhau) như 2000 bông hoa khác nhau nở giữa rừng thông Đà Lạt.
Biệt thự mang kiến trúc cổ tiêu biểu ở Đà Lạt.
Sau này tìm hiểu kĩ hơn mới biết , khi người Pháp sang Việt Nam, họ đã mang theo "bản vẽ nhà mình" bên Pháp, xây trên đất Đà Lạt, để đỡ nhớ quê hương. Đây là sự hoài niệm đáng trân trọng. Theo giới chuyên môn, kiến trúc Đà Lạt ảnh hưởng đậm nét kiến trúc châu Âu thế kỉ XIX. Hệ thống biệt thự Đà Lạt, được xem như là linh hồn làm nên nhan sắc Đà lạt. Với khí hậu ôn đới, từng biệt thự thường cải tiến chút ít từ mái nhà, ống khói, cửa sổ, ban công cho phù hợp với Đà Lạt. Loại biệt thự đầu tiên ( đầu thế kỉ XX) là nhà gỗ ngói hoặc tôn, thường giữ nguyên kiến trúc cũ nơi cố quốc. Nếu có thay đổi, chỉ là số ít khung sườn bằng gỗ tốt xây chèn gạch, sàn và trần nhà bằng gỗ ghép rất khéo, đó là kiến trúc Bắc Pháp. Phổ biến các biệt thự quanh viện Pasteur, đường Trần Hưng Đạo, Trần Thúc Kháng, Lê Lai..
Thời gian đầu xi măng chưa được mang lên Đà Lạt, nhà toàn xây bằng gạch với vôi tôi, trộn nhớt từ là cây giã ra. Tường gạch xây chèn khung gỗ tốt, không nức nẻ dù đã gần 100 năm. Ở độ cao 1500m so với mực nước biển, Đà Lạt không có nhiều mối mọt, nếu thanh gỗ nào mục thì thay thanh đó, mà tường không nứt đổ. Giai đoạn 1900-1954, ở Đà Lạt gỗ nhiều thép ít thép phải nhập từ Pháp sang và đưa từ Sài Gòn lên, nên ít dùng thép trong cây nhà cất cửa. Người Pháp quy hoạch Đà Lạt là trung tâm nghỉ dưỡng châu Á, nên cần xây dụng thật đẹp, thơ mộng thân thiện với môi trường. Do vậy mật độ xây dựng các biệt thự phải xa nhau (từ 50-100m), mỗi biệt thự đều có vườn hoa, tầm nhìn đẹp và thông thoáng.
Biệt thự cổ Đà Lạt nằm ẩn trong rừng thông.
Biệt thự Đà Lạt phân bố theo chuỗi hồ nước. Mỗi biệt thự đều nhìn ra rừng thông, thung lũng, hồ nước, vườn rau hoặc vườn hoa đẹp. Và chỉ được xây dựng biệt thự không quá 3 tầng, phải có ít nhất hai mái (nhiều mái càng đẹp), nhiều cửa sổ, rất hài hòa với dáng thông cao gầy. Không được làm nhà mái bằng, dạng nhà hộp (trừ khu trung tâm do hiếm đất). Vì làm cao tầng, sẽ phá vỡ cảnh quan và che khuất tầm nhìn thắng cảnh. Riêng hướng Tây Bắc và Bắc Hồ Xuân Hương không được xây dựng nhà sẽ che khuất núi mẹ Langbiang, ngọn núi cao đẹp nhất, là linh hồn của Đà Lạt. Việc xây cất mọi công trình kiến trúc, đều do kiến trúc sư thiết kế và phê duyệt của sở Công chánh.
Người Pháp tha phương luôn nhớ về quê hương. Kiểu biệt thự hai mái, có mái nhô tròn (chặt góc) là của miền Trung và bắc Pháp. Mái nhọn nhô cao, có cửa kính lớn, đích thị của miền nam Paris. Loại mái dài, mái ngắn dốc nhiều là vùng núi Alpes, dễ thoát nước. Mái dốc, xấy đá chẻ là ở vùng biển Normandie. Loại mái lợp ardoise (đá mài miếng mỏng) của miền Trung Pháp. Lò sưởi ống khói rất đa dạng và ấn tượng.
Trải qua hơn 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (kể từ ngày (21/6/1893) Yersin tìm ra Đà lạt, thành phố này vẫn còn lưu giữ và bảo tồn và làm giàu thêm giá trị kiến trúc Đà Lạt. Từ nhiều năm nay, các nhà quản lý và người dân nhận thức sâu sắc rằng, nếu chặt bỏ rừng thông và đập phá hết biệt thự cổ, Đà Lạt sẽ "chết" và biến mất trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Cùng với khí hậu, cảnh quan và phong cách người Đà Lạt, kiến trúc đậm chất châu Âu thế kỉ XIX đã làm nên giá trị vô giá của Đà Lạt. Đà Lạt- Thành phố festival hoa đang nỗ lực trở thành thành phố Di sản Kiến trúc quốc gia. Và tương lai không xa, Đà Lạt sẽ trở thành đô thị di sản kiến trúc thế giới.