Thần đạo là tôn giáo có nguồn gốc từ Nhật Bản cổ đại. Nó đã phát triển rất lâu ở Nhật Bản và ăn sâu vào tiềm thức, trái tim của người dân nơi đây. Đây có thể nói là tôn giáo đã định hình văn hóa Nhật Bản cho đến ngày nay. Với những người nước ngoài, Thần đạo là một tôn giáo mang màu sắc thần bí của Nhật Bản. Thậm chí có những khía cạnh nhất định của Thần đạo mà nhiều người Nhật cũng không biết rõ, đặc biệt là ý nghĩa của những biểu tượng trong Thần đạo. Cùng Top Ten Travel tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé!

1. Cổng Torii
Cổng Torii là những cánh cổng tráng lệ mở lối vào những ngôi đền thờ Thần đạo. Được làm từ gỗ hoặc đá, những cánh cổng hai cột này đánh dấu ranh giới lãnh địa của một “Kami”. Hành động bước qua một cánh cổng Torii được coi là một hình thức thanh tẩy vô cùng quan trọng khi vào thăm viếng một ngôi đền, vì các nghi thức thanh tẩy được coi là chức năng chính của Thần đạo.

Điểm đặc biệt, những cánh cổng Torii được sơn màu đỏ và màu cam rực rỡ. Ở Nhật Bản, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và cuộc sống, tránh xa khỏi những điềm xui hay thảm họa. Như vậy, bằng cách đi qua những cánh cổng màu đỏ này, du khách khi đến đền sẽ được thanh tẩy, gột rửa khỏi những nguồn năng lượng xấu, tà ác đang mang trên người, để đảm bảo chỉ có những nguồn năng lượng tích cực mới được mang vào nơi “Kami” sinh sống. Theo một cách lý giải ít tâm linh và nhiều thực tế hơn, màu đỏ đơn giản chỉ là màu của lớp sơn thường được sử dụng để phủ lên phần gỗ của cánh cổng Torii để bảo vệ cổng khỏi sự bào mòn của tự nhiên.

Tuy vậy, không phải mọi cánh cổng Torii đều có màu đỏ. Có rất nhiều cánh cổng Torii làm từ gỗ, đá không phủ sơn (thường có màu trắng hoặc xám), và thậm chí là cả kim loại nữa. Cổng Torii không chỉ đa dạng về màu sắc (thậm chí có cả màu đen) mà còn đa dạng cả về hình dáng (có khoảng 60 kiểu dáng khác nhau). Tuy nhiên, 2 loại phổ biến nhất là cổng Torii “Myojin” và “Shinmei”. Cổng Torii “Myojin” có xà ngang phía trên uốn cong ở hai đầu, thanh xà phía dưới xuyên ngang qua hai cột và chìa ra ở hai bên. Trong khi đó, cổng Torii “shinmei” lại có xà ngang phía trên thẳng và xà ngang phía dưới chỉ vừa chạm tới hai cột chứ không kéo dài ra bên ngoài.

2. Sợi dây thừng Shimenawa
Khi ghé thăm các Đền thờ Thần đạo, du khách sẽ bắt gặp sợi dây thừng xoắn “Shimenawa” được treo ở phía trước chánh điện của Đền, Cổng Torii, tảng đá hay cây cổ thụ. Những sợi dây này mang ý nghĩa “kết giới”. Chúng ngăn cách lãnh thổ của các vị Thần với lãnh thổ của những điều xấu bên ngoài. Theo truyền thống, Shimenawa được dệt từ cây gai dầu, nhưng ngày nay, nó thường được kết từ sợi rơm của lúa gạo và lúa mì. Shimenawa được kết thành nhiều hình dạng khác nhau như: kiểu đường thẳng Ichimonji, kiểu Daikonjime, kiểu Goboushime hay kiểu vòng tròn Wakazari.

Cấu tạo của Shimenawa bao gồm: phần đầu được gọi là “Moto”, tiếp đó là các nút bện được tết theo 2 kiểu bện trái hoặc phải, sau cùng được cột lại ở phần đuôi. Với kiểu Daikonjime, dây thừng được bện nhỏ dần về hai đầu, còn với Goboushime, chỉ có phần đuôi được thắt nhỏ hơn. Giữa các nút bện sẽ có thêm phần trang trí ở phía dưới là các búi rơm “Shime no Ko” và giấy Washi gấp theo hình zic-zắc “Shide”. Phần trang trí này nằm cách nhau một khoảng và thường theo số lượng 3, 5 hoặc 7. Do vậy, Shimenawa còn được gọi là “Thất ngũ tam thằng”, tức “dây thừng 7-5-3”.
Về cơ bản, tại các đền thờ sẽ sử dụng kiểu bện trái, cụ thể: sợi dây bên phải hướng về phía thần linh sẽ nằm ở trên sợi dây bên trái, hay nói cách khác, việc bện sẽ bắt đầu với dây bên phải trước tiên. Mặt khác, trong đời sống hằng ngày, kiểu bện phải được sử dụng nhiều hơn.

3. Cây linh thiêng Sakaki
Như đã đề cập trước đó, thờ phụng thiên nhiên chính là triết lý của Thần đạo, và trong đó cây cối đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Một số loại cây được coi là linh thiêng và được biết đến với tên “Shinboku”. Giống như cổng Torii, những cây này được trồng quanh một ngôi đền, tạo ra một hàng rào linh thiêng để bảo vệ không gian thanh tịnh bên trong. Tuy có tới vài loại cây khác cũng được coi là cây thiêng nhưng có lẽ loài cây quan trọng nhất là “Sakaki”, một loại cây thường xanh có hoa có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cây Sakaki thường được trồng xung quanh các Đền thờ Thần đạo tạo nên một hàng rào linh thiêng, và đôi khi một cành Sakaki được dùng làm đồ cúng tế cho các vị thần.

Một trong những lý do mà Sakaki trở thành cây linh thiêng trong Thần đạo là vì chúng là cây thường xanh, điều này đồng nghĩa với sự bất tử. Một lý do quan trọng khác gắn liền với một truyền thuyết trong đó một cây Sakaki được trang trí để dụ Nữ thần Mặt Trời Amaterasu ra khỏi nơi ẩn náu trong hang động.
4. Vòng xoáy Tomoe
Biểu tượng vòng xoáy “Tomoe” có thể gợi nhớ nhiều về biểu tượng âm dương nổi tiếng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ý nghĩa và cách sử dụng của hai biểu tượng này khá khác nhau. Tomoe, thường mang nghĩa là “dấu phẩy”, được sử dụng trên những huy hiệu thể hiện quyền lực của Nhật Bản gọi là “mon”, thường có liên quan đến Samurai. Tomoe có thể có hai, ba hoặc thậm chí bốn dấu phẩy. Tuy nhiên, ba dấu phẩy “Mitsu-domoe” được sử dụng phổ biến nhất trong Thần đạo và được cho là đại diện cho sự tương hợp của ba cõi tồn tại: thiên đường, dương gian và âm phủ.
Hãy chú ý tới Tomoe và du khách sẽ thấy chúng được sử dụng trong trang trí rất nhiều, từ trống Taiko và bùa may mắn đến đèn lồng và mái nhà theo phong cách Nhật Bản!

5. Tờ giấy Shide
Shide là những tờ giấy trắng ngoằn ngoèo, thường được treo dưới những sợi dây thừng Shimenawa. Vật trang trí này xuất hiện ở khắp nơi trong các ngôi đền và thường được sử dụng để phân định ranh giới của không gian linh thiêng bên trong đền thờ với cõi phàm tục. Các đồ trang trí hình tia sét được gọi là “shide” và cũng được sử dụng trong rất nhiều các nghi lễ thanh tẩy. Nếu tới lễ đền đúng thời điểm, du khách thậm chí có thể thấy Shide được gắn vào những chiếc gậy đặc biệt được các đại sư Shinto sử dụng để thực hiện những nghi lễ.
Có hai giả thuyết đằng sau lý do tại sao Shide có hình tia sét. Có người cho rằng hình dạng này đại diện cho sức mạnh vô hạn của các vị thần, và cũng có những người khác cho rằng vì mây, mưa và sét là những thành tố tạo nên một vụ mùa bội thu, nên hình sấm sét chính là lời cầu nguyện của người dân đến các vị thần để cầu mong mùa màng tươi tốt.

Sau bài viết này, hẳn du khách đã có thêm sự hiểu biết về Thần đạo cũng như những biểu tượng trong Đền thờ Thần đạo. Hi vọng rằng chừng đó đã giúp du khách hiểu hơn và trân trọng giá trị của những chi tiết nhỏ cũng như cảm thấy thú vị về những câu chuyện đằng sau những biểu tượng này. Khi có dịp du lịch Nhật Bản và tới thăm Đền thờ Thần đạo, du khách đừng quên để mắt tới những biểu tượng kể trên nhé!