Khám phá những phong tục đón Tết độc đáo của người dân Ấn Độ

23/12/2023

Cẩm nang du lịch

Mục lục bài viết

Du lịch Ấn Độ dịp Tết là một trải nghiệm vô cùng thú vị mà du khách không nên bỏ qua. Dù cũng tận hưởng không khí chuyển giao từ năm cũ sang năm mới sôi động như các quốc gia phương Tây, thế nhưng đây lại không phải ngày Tết chính ở quốc gia này. Thay vào đó, người Ấn sẽ ăn mừng năm mới tùy thuộc vào ngày mặt trời theo phong tục của họ. Chính vì thế, mỗi bang khác nhau sẽ đón Tết cổ truyền theo những cách khác nhau.

Cùng theo chân Top Ten Travel khám phá những phong tục đón Tết độc đáo của người dân Ấn Độ ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!

Du lịch Ấn Độ dịp Tết là một trải nghiệm vô cùng thú vị mà du khách không nên bỏ qua

1. Bang Maharashtra và Konkan

Lễ chào mừng năm mới truyền thống của người Ấn Độ sinh sống tại bang Maharashtra và Konkan còn được gọi là Gudi Padwa hay Gudi Padva, thường diễn ra vào ngày đầu tiên của lễ Chaitra, tức sẽ rơi vào khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 theo lịch Gregory. Bởi theo quan niệm của đạo Hindu, Gudi Padwa đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới dựa trên sự thay đổi quỹ đạo của mặt trăng.

Thời điểm này, những ngôi nhà sẽ được dọn dẹp và trang hoàng cực kỳ đẹp mắt, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ tắm rửa mùa xuân và diện những bộ quần áo mới trước khi ngồi lại cùng nhau và cầu nguyện hoặc đi thăm người thân, bạn bè.

Gudi Padwa - lễ mừng năm mới truyền thống của người Ấn tại bang Maharashtra và Konkan

Ngoài ra, vào ngày Tết cổ truyền này, mọi người cũng sẽ treo lên trên cửa sổ, mái nhà hoặc cây cối một lá cờ Gudhi đặc biệt, gồm có một biểu ngữ lụa với một vòng hoa và lá, trên cùng sẽ là một bình nước uống bị úp ngược, với mục đích xua đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo, mang đến sự may mắn và thịnh vượng cho cả năm mới. Các món ngon được chuẩn bị vào ngày tốt lành này có thể kể đến như thịt nguội, kesari bhaat, puran poli,...

Những người phụ nữ đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền

2. Bang Andhra Pradesh và Karnataka

Theo phong tục đón Tết cổ truyền của người dân Ấn Độ tại bang Andhra Pradesh và Karnataka, trước khi bắt đầu ngày lễ mừng năm mới, mọi người thường sẽ dọn dẹp, quét vôi nhà cửa, trang trí các ngôi đền cũng như phòng thờ thần trong nhà bằng hoa lài và lá xoài.

Phong tục đón Tết cổ truyền của người dân Ấn Độ độc đáo khó lẫn vào đâu được

Để bắt đầu ngày lễ đặc biệt này, tất cả thành viên trong gia đình sẽ thức dậy trước bình minh để tắm gội thật sạch sẽ, không quên xoa bóp toàn thân bằng dầu mè, sau đó diện những bộ quần áo truyền thống mới mua. Đồng thời, các bức tượng thần và nữ thần trong nhà cũng sẽ được tắm trong dầu và được dâng lên những lời cầu nguyện, cúng dường với những món lễ vật tiêu biểu như hoa Neem, xoài và me. Sau đó, toàn bộ thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau nghe Panchanga để được ban phước lành. Sau khi nghe xong, các vị thầy tu trong đền thờ hoặc bất cứ ai đã đọc Panchanga đều sẽ được tặng quà như quần áo mới để cảm ơn.

Những món ăn truyền thống đặc sắc dịp năm mới của người dân Ấn Độ

Sau lễ cầu nguyện, những người phụ nữ trong gia đình thường sẽ chuẩn bị những món ăn ngon để mọi người cùng thưởng thức, tiêu biểu là Bevu Bella - món ăn có sự kết hợp tinh tế giữa hoa hoặc nụ Neem, đường thốt nốt, ớt xanh, muối, nước me và xoài xanh,... tượng trưng cho những điều hỷ, nộ, ái, ố trong cuộc sống.

Một phong tục đón Tết cổ truyền thú vị khác của người Ấn Độ tại vùng đất này đó là lối vào cửa của những người sùng đạo thường sẽ được trang trí bằng đất đỏ, một chuỗi lá xoài cùng lá Neem, và tất nhiên không thể thiếu các hình vẽ bằng phấn trắng Rangoli, với mục đích xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo, tương tự như cách người Việt quét vôi trước cổng nhà vậy.

3. Bang Assam

Phong tục đón năm mới của người dân Ấn Độ sinh sống tại bang Assam thông thường sẽ bắt đầu bằng lễ Bohag Bihu hay Rongali Bihu, rơi vào khoảng giữa tháng 4, thường là ngày cuối cùng của tháng Chait (tức là thời điểm bắt đầu mùa vụ nông nghiệp mới) và được tổ chức trong khoảng 7 ngày.

Người Ấn bắt đầu ngày lễ Bohag Bihu bằng việc dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa sạch sẽ cho gia súc của họ và cung cấp thức ăn ngon cho chúng như một lời cảm ơn vì đã giúp đỡ trong các hoạt động nông nghiệp. Đồng thời, các loài gia súc cũng sẽ được thả rông hoàn toàn trong một ngày, sau đó được thay dây và được thờ cúng với những lời cầu nguyện và vòng hoa truyền thống. Đây là một phong tục đón Tết cổ truyền ở Ấn Độ vô cùng độc đáo mà đảm bảo chỉ có ở Assam, du khách mới có thể được trải nghiệm.

Người Ấn ăn mừng ngày lễ Bohag Bihu với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

Vào ngày thứ hai của lễ ăn mừng năm mới, tất cả mọi người sẽ tập trung tại một buổi lễ cầu nguyện đặc biệt được tổ chức tại Namghar hoặc trong phòng cầu nguyện để cầu mong một năm mới tốt lành sẽ đến với toàn bộ cộng đồng. Các món ăn không thể thiếu trong ngày Tết truyền thống tại đây có thể kể đến là Pitha, Laddoos, bánh dừa, cá rô phi, cốm dẹp, đường thốt nốt và sữa đông,...

Ngày lễ Bohag Bihu được người Ấn Độ chuẩn bị chu toàn

Đương nhiên, phong tục đón Tết của người Ấn ở bang Assam cũng không thể thiếu hình ảnh các cô gái diện bộ trang phục truyền thống mới như Mekhala và các chàng trai sẽ khoác lên mình Dhoti cùng gamcha, cùng nhau tham gia các buổi hội chợ, khiêu vũ hoặc múa Bihu cực kỳ sôi động.

4. Bang Punjab

Diễn ra vào ngày 13 tháng 4 hoặc 14 tháng 4 hàng năm, Baisakhi được xem là ngày Tết truyền thống của những người theo đạo Hindu, đặc biệt là người Sikh và Punjabis. Tại bang Punjab, lễ hội này còn đánh dấu sự kết thúc mùa màng và là ngày tạ ơn của những người nông dân dành cho Chúa vì đã phù hộ cho mùa màng của họ bội thu đồng thời còn là lời cầu nguyện cho một tương lai thịnh vượng.

Người Ấn sở hữu nhiều phong tục đón Tết độc đáo khác nhau

Theo phong tục đón Tết truyền thống của người Ấn tại bang Punjab, tất cả các Gurudwara ở đây đều sẽ được trang hoàng lộng lẫy, mọi người sẽ thi nhau tham gia hội chợ và melas, cũng như những buổi biểu diễn khiêu vũ, các điệu nhảy bhangra hoặc gidda sống động. Vào ngày Tết cổ truyền này, mọi người thường sẽ thưởng thức những món ăn Punjabi truyền thống của Bắc Ấn Độ như: peele chawal (cơm vàng mặn), lassi ngọt hoặc lassi bơ sữa, punjabi kadhi pakora với cơm, các món thịt cừu, gà tandoori, cà ri gà bơ và không quên tráng miệng bằng dừa nạo, trái cây khô,...

5. Bang Kerala

Theo phong tục đón Tết cổ truyền của người dân Ấn Độ tại bang Kerala, vào buổi bình minh của ngày Vishu, mọi người thường thức dậy rất sớm và đi đến phòng cầu nguyện puja để điều đầu tiên họ nhìn thấy trong năm mới là quang cảnh vinh quang của Chúa - nghi lễ này còn được gọi là Kanikanal, bởi người Ấn quan niệm rằng những điều tốt đẹp được nhìn thấy đầu tiên trong ngày lễ Vishu đóng vai trò như một lá bùa may mắn, giúp mang lại vận may cho cả năm mới.

Vishu được xem là ngày lễ mừng năm mới của người Ấn tại bang Kerala

Sau khi thực hiện xong những nghi lễ đầu tiên của lễ Vishu, tất cả thành viên trong gia đình sẽ tắm gội sạch sẽ và mặc quần áo mới để thu thập Vishukkaineetam - một tập quán phân phối của cải dưới dạng tiền xu, tức những người lớn tuổi trong gia đình sẽ dành tặng tiền xu hoặc tiền giấy cho những người nhỏ tuổi hơn, tương tự như phong tục lì xì quen thuộc của người Việt Nam vậy. Một số gia đình giàu có còn cho tiền cả hàng xóm hay người hầu,... với niềm tin họ sẽ gặp may mắn và thịnh vượng trong tương lai.

Người Ấn cũng thu thập Vishukkaineetam như phong tục lì xì của người Việt

Mâm cơm truyền thống trong ngày Tết của người Ấn Độ tại bang Kerala thường có các món ngọt, mặn, chua và đắng với tỷ lệ tương đương nhau, được chế biến từ các nguyên liệu chủ yếu như mít, bí đỏ, xoài, bầu cùng với một số loại rau và trái cây tươi ngon tùy theo từng mùa. Điển hình có thể kể đến như: Veppampoorasam - một chế phẩm đắng của Neem, Kanji - thức uống làm từ gạo, gia vị và nước cốt dừa, Mambazha Pachadi - súp xoài chua, Pachadi củ dền,...

Mâm cơm truyền thống ngày Tết của người Ấn thường được chuẩn bị thịnh soạn

Trên đây là một số phong tục đón Tết cổ truyền thú vị của người dân Ấn Độ mà Top Ten Travel tổng hợp được và muốn chia sẻ đến các bạn. Có thể nói, việc mỗi bang, mỗi vùng đất có những phong tục đón Tết khác nhau đã góp phần tạo nên nét độc đáo không thể lẫn vào đâu được cho nền văn hóa Ấn Độ. Nếu có dịp đi tour Ấn Độ vào dịp năm mới, đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những phong tục đặc sắc kể trên bạn nhé!

Bảo Trân