Tiêu chuẩn Halal độc đáo trong ẩm thực của người Hồi giáo là một trong những chủ đề được nhiều khách du lịch quan tâm nhất. Theo đó, Halal đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm sử dụng phù hợp với các quy tắc ăn uống khắt khe được đề cập trong kinh Qur’an của đạo Hồi. Nếu vẫn đang thắc mắc về tiêu chuẩn ẩm thực độc đáo này, bạn nhất định không được bỏ qua bài viết dưới đây của Top Ten Travel đâu nhé!

1. Tiêu chuẩn Halal của người Hồi giáo là gì?
Halal là một thuật ngữ quan trọng trong Hồi giáo, theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “cho phép, hợp pháp”. Trái ngược với Halal là Haram, tức chỉ những điều “trái pháp luật” hoặc “bị cấm”. Hai thuật ngữ này được xem là hai tôn chỉ quan trọng trong đạo Hồi, bao hàm tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống của các tín đồ đạo Hồi, đặc biệt là trong thực phẩm và ăn uống.

Theo đó, tên gọi “Thực phẩm Halal” được sử dụng để chỉ những loại thực phẩm được chuẩn bị, chế biến và tiêu thụ tuân thủ nghiêm ngặt theo các chế độ ăn uống được đề ra trong kinh Qur’an, đó là những sản phẩm “hợp pháp” và người Hồi giáo được phép sử dụng. Theo luật Hồi giáo, các tín đồ chỉ được phép ăn thịt Halal, tức là những loại thịt được giết mổ theo nghi thức truyền thống của đạo Hồi. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyệt đối không có gì để ăn, họ vẫn có thể ăn mọi thứ để duy trì sự sống.

2. Chứng nhận Halal là gì trong ẩm thực Hồi giáo?
Chứng nhận Halal trong ẩm thực Hồi giáo là giấy chứng nhận một sản phẩm đáp ứng được tất cả các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal cũng như đạt được các yêu cầu liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng chính là loại giấy kiểm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng để người Hồi giáo có thể sử dụng được.
Chứng nhận Halal còn là chứng nhận bắt buộc phải có khi muốn nhập khẩu hàng hóa vào một số quốc gia theo đạo Hồi. Chứng nhận Halal được áp dụng cho tất cả các sản phẩm không phải là Haram hoặc không chứa bất kì thành phần nào là Haram và tất nhiên phải đáp ứng đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal.

3. Sự khác biệt giữa thịt đạt chuẩn Halal và thịt bình thường
Như đã trình bày ở trên, trong luật Hồi giáo các tín đồ chỉ được phép ăn thịt Halal. Vậy thịt đạt chuẩn Halal và các loại thịt bình thường khác nhau như thế nào? Cùng Top Ten Travel tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé!
- Thịt Halal là loại thịt làm từ những loài động vật được cho phép sử dụng trong đạo Hồi, tiêu biểu có thể kể đến như bò, nai, gà, chim, vịt, cừu, dê,...
- Động vật không được cho ăn bởi những thức ăn làm từ động vật khác và phải đảm bảo còn sống trước khi giết mổ.
- Theo tiêu chuẩn Halal, con vật phải được giết mổ bởi một người Hồi giáo đã được huấn luyện cẩn thận theo phương pháp giết mổ đúng đắn của Hồi giáo (được gọi là Zabiha hay Dhabihah).
- Người giết mổ thịt phải cầu khẩn tên Allah (nghĩa là Chúa trời) trước khi giết mổ.
- Động vật phải được giết mổ bằng cách cắt nhanh khe cổ họng bởi một con dao sắc nhọn, đảm bảo gây ra cái chết nhanh chóng và nhân đạo.
- Thịt Halal không được dính máu, sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt Halal phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra.
- Tất cả các loại thiết bị và dụng cụ được sử dụng trong quá trình chuẩn bị, nấu nướng và phục vụ thực phẩm Halal đảm bảo không bị ô nhiễm bởi các chất không phải Halal.
- Người giết mổ phải cẩn thận để tránh lây nhiễm chéo giữa thực phẩm Halal và không Halal trong quá trình chuẩn bị và phục vụ.

4. Một số loại thực phẩm đạt chuẩn Halal
Thực phẩm đạt chuẩn Halal là những loại thực phẩm “hợp pháp”, phù hợp với các quy tắc ăn uống được đề cập trong kinh Qur’an của người Hồi giáo. Tiêu biểu có thể kể đến như:
- Các loại thịt được giết mổ và phục vụ theo đúng phương pháp của đạo Hồi (trừ thịt heo, thịt chó, động vật có móng vuốt như khỉ, gấu, hổ, các loại chim săn mồi, động vật lưỡng cư như ếch,...)
- Sữa (bò, cừu, lạc đà, dê)
- Mật ong
- Các loại hải sản, cá
- Trái cây, rau củ quả tươi hoặc sấy khô
- Các loại hạt như hạt điều, đậu phộng, hạt phỉ,...
- Các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch,...
5. Một số loại thực phẩm bị cấm (Haram) trong Hồi giáo
Trái ngược với thực phẩm Halal là thực phẩm Haram, tức chỉ những loại thực phẩm “trái pháp luật” hoặc “bị cấm”, các tín đồ Hồi giáo không được phép sử dụng theo luật trong kinh Qur’an. Một số loại thực phẩm bị cấm như:
- Các loài động vật không đạt chuẩn Halal (tức không được giết mổ theo quy định của Hồi giáo)
- Thực phẩm có chứa hoặc tiếp xúc với các chất bị cấm (Haram), chẳng hạn như thịt heo và các sản phẩm phái sinh của nó
- Bên cạnh thịt heo, người đạo Hồi cũng không ăn thịt chó
- Thịt động vật có móng vuốt như sư tử, rắn, khỉ, gấu, hổ,...
- Các loại chim săn mồi có móng vuốt như đại bàng, kền kền,...
- Động vật lưỡng cư như ếch, cá sấu,...
- Động vật gây hại như chuột, rết, bọ cạp,...
- Động vật bị cấm giết như kiến, ong, chim gõ kiến,...
- Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người
- Đồ uống có cồn như bia, rượu,...
- Các loài thủy hải sản nguy hiểm
- Các loài động vật chết vì bị nghẹt thở, bị giết bởi động vật khác hoặc bị tai nạn
- Hóa chất độc hại, khoáng chất thiên nhiên,...

Vừa rồi là một số thông tin quan trọng liên quan đến tiêu chuẩn ẩm thực Halal độc đáo của các tín đồ Hồi giáo mà Top Ten Travel tổng hợp được và muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng bài viết trên của Top Ten đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về ẩm thực Hồi giáo nói chung và tiêu chuẩn Halal nói riêng. Với những quy tắc ăn uống khắt khe được đặt ra, du khách nên đặc biệt lưu ý vấn đề này khi đi du lịch đến các quốc gia Hồi giáo để tránh những rắc rối không mong muốn nhé!
Bảo Trân