Không mang đậm dấu ấn cổ xưa như những con phố ở Hà Nội, Sài Thành cũng có những phố hình thành qua từng giai đoạn phát triển đằm thắm và lịch lãm, nhưng cũng nhộn nhịp với đầy đủ màu sắc, mang một hơi thở rất riêng.
1. Phố xưa:
Phố Sài Gòn xưa
Bên cạnh những con phố được hình thành cùng với lịch sử phát triển 300 năm ở Sài Gòn- Gia Định như Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông, phố Trần Chánh Chiếu... hay phố Tự Do ( nay là đường Đồng Khởi)... vẫn mang trong mình một chiều dài lịch sử mà cho đến ngày nay, mỗi khi nhắc tới hay có dịp ghé qua, người dân Sài Gòn vẫn không quên những con phố với những nét văn hóa đặc trưng Sài Gòn và những mặt hàng được bày bán tại đây.
Những con phố với những công trình kiến trúc cổ và hàng quán sang trọng, kiêu sa lãng mạn mang đậm nét văn hóa đặc trưng Sài Gòn như: La Pagoda, Brodard, Givral... hay những con phố đã đi vào ký ức của nhiều văn nghệ sĩ bằng những hoài niệm đẹp với những "buổi chiều đón gió sông lên, nhìn những tà áo dài vạt trắng rộng giờ tan sở hay những đêm đèn vàng với son phấn, âm nhạc, vũ trường và bóng giai nhân thoáng qua, đẹp như trong giấc mơ..."
Chỉ mới hình thành từ thập niên 80 của thế kỷ 20 nhưng con phố này cũng khá nổi tiếng và đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Phố Lê Công Kiều chỉ dài khoảng 400 mét, có các gian hàng đồ cổ và giả cổ mang nét ưu tư của phố phường xưa cũ. Ở đây có những bức tượng cổ xanh mốc màu thời gian hay cái đĩa hát quay tay từ thời Pháp cổ từ thời Pháp thuộc và các mặt hàng gốm sứ, chiêng cổ, đầu tượng Khmer, các loại bàn ghế tủ, các bức hoành phi, câu đối khắc gỗ, trường kỳ kiểu cổ...Tất cả những con phố này dù hình thành ở thời điểm nào cho đến nay đã đi vào hồn người thành phố với nhiều ký ức đẹp...
2. Phố nay:
Phố Sài Gòn nay
Cuốn theo cơn lốc đô thị hóa nhưng Sài Gòn vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng Sài Gòn , từ ngã tư Bảy Hiền ngược lên hướng Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân, kéo dài khoảng chừng 600-700 mét san sát những cửa hàng bán máy nông ngư cụ, điện cơ, ở đây có những chiếc máy cũ được nhập về tân trang lại cho đến những chiếc máy hiện đại tân tiến.
Ngược ra hướng Sài Gòn, dọc QL 1A chạy dài về với Tân Vạn, Suối Tiên đi đến đâu cũng có thể thấy những máy móc xe chuyên dụng phục vụ cho cơ giới đường bộ. Cũng có thể thấy trên quốc lộ này từ Ngã tư An Sương về tới An Lạc- Bình Điền trải dài các máy móc cơ khí tiện-phay-bào... và những chiếc máy cho ngành cơ khí chính xác.
Nằm ngay trung tâm quận 1, ở đây trở thành tụ điểm mua sắm giải trí với những con phố thời trang, phố giày da Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Cao Thắng nối liền nhau. Trên dãy phố dài gần cả cây số này mọi ngời có thể tìm cho mình những bộ đồ hàng hiệu nổi tiếng như Gucci, CK, Bossini, Elle... đến những sản phẩm bình dân chỉ vài chục nghìn.
Ở Sài Gòn đi đến đâu cũng có thể dễ dàng tìm cho mình một quán cà phê để vừa nhâm nhi cà phê vừa ngắm phố phường ồn ào náo nhiệt. Hồ Con Rùa nằm ngay Công trường quốc tế từ lâu đã trở thành phố Cà phê với những quán cà phê nổi tiếng Sài Gòn hôm nay như Window, Miss Sài Gòn, Papa... từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều người dân và du khách.
Từ Dinh Độc Lập dọc Nam Kỳ Khởi Nghĩa hướng về Nguyễn Văn Trỗi được bày bán đủ loại tranh, dễ dàng tìm thấy tranh thêu truyền thống hay những bức tranh quý giá đắt tiền, những bức tranh của danh họa Picasso, Leonardo de Vinci, Van Gogh, Bùi Xuân Phái..., đây là con đường bán tranh được sao chép có tiếng của phố Sài Gòn. Phố Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt với hàng loạt những cửa hàng trang trí nội thất liên doanh và của các nước Anh, Pháp, Ý... Dọc theo con đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cộng Hòa đã trở thành trung tâm của đồ gỗ và các sản phẩm gỗ mỹ nghệ danh tiếng cả nước. Phố Hoa Kiểng Thành Thái, phố in ấn Lý Thái Tổ, phố băng đĩa Huỳnh Thúc Kháng, phố dụng cụ thể thao Huyền Trân Công Chúa, Phố sách cũ Trần Huy Liệu, phố đồ cưới 3 tháng 2... Sài Gòn muôn mặt và tấp nập phố phường, kẻ bán người mua, nhất là những ngày áp Tết.
3. Và hương sắc Sài Gòn phố:
Hương sắc Sài Gòn
Giữa dòng đời tấp nập ngược xuôi, những con phố Sài Gòn mang nét văn hóa đặc trưng Sài Gòn này rất riêng và cũng rất đầy đủ âm sắc, hương vị tạo nên một nét rất riêng, có phố chỉ toàn một màu xanh của hoa lá, cây kiểng như ở đường Trường Sơn, Thiên Phước nối dài ( nay là đường thành thái) hay phố bán chim và chó trên đường Lê Hồng Phong, phố thịt quay Tạ Yên, phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông...mà đứng từ xa đã nghe thấy âm thanh, hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Có những con phố rất lạ bởi những tính đặc thù như phố "chồm hổm" trên đường Âu Cơ là những quầy hàng bày bán trên những miếng nilon, cứ mỗi chiều đến là tấp nập người mua linh kiện điện thoại, đồng hồ, đồ điện tử cũ, những món đồ được thu gom lại từ những vựa ve chai... Có những con phố mới có đây thôi như phố hoa xuân Nguyễn Huệ đã để lại ấn tượng khó phai trong người Sài Gòn và du khách đến đây mỗi độ xuân về...
Có lẽ cũng vì vậy mà có người cho rằng cuộc sống của người dân Sài Gòn chỉ diễn ra ở ngoài đường phố, chỉ ở đó người ta mới thấy được sự náo nhiệt và rất năng động của một thành phố hơn 300 năm tuổi co sự pha rộn những nét văn hóa Đông- Tây. Cũng sự năng động đó mà ở giữa lòng Sài Gòn luôn sinh sôi những con phố mới rất Tây và cũng rất ta (phố Nhật, phố Tây ba lô, phố Hàn hay phố khắc chữ Phạm Hồng Thái, phố áo dài Nam Kỳ Khởi Nghĩa...) mang một hơi thở rất riêng không lẫn vào đâu được trong sự phát triển của đô thị Việt Nam.
Top Ten Travel tổng hợp
Nguồn: Báo Du lịch