Hàn Quốc hỗ trợ 6 triệu USD quy hoạch bờ sông Hương

13/09/2022

Top Ten News

Mục lục bài viết
Tỉnh Thừa Thiên- Huế nhận được hỗ trợ 6 triệu USD từ đối tác Hàn Quốc để quy hoạch đôi bờ sông Hương theo hướng bảo tồn văn hóa, lịch sử và phát triển du lịch. Du lịch Huế, những lời ca ngọt ngào trên sông Hương, nét trầm mặc cổ kính của quần thể cố đô Huế đã tạo nên một Huế mộng mơ, hấp dẫn du khách.   1.Xây dựng quy hoạch bờ sông Hương kết hợp giữa bảo tồn và phát triển:    
Đôi bờ sông Hương thơ mộng   Tỉnh Thừa Thiên – Huế và cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam vừa ký kết dự án quy hoạch phát triển kết hợp sông Hương và dự án thí điểm, giá trị 6 triệu USD từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc. Thời gian thực hiện trong vòng 2,5 năm.   Đây là bước hợp tác tiếp theo của đối tác Hàn Quốc sau khi tỉnh này và KOICA đạt được thành công giai đoạn 1 của Dự án Quy hoạch chung của thành phố Huế, với nguồn vốn hỗ trợ 3 triệu USD.   Hai bờ sông Hương chảy qua thành phố Huế, dựa trên cảnh quan hiện có cũng như căn cứ vào lịch sử và văn hóa kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, hướng đến đô thị di sản, văn hóa, sinh thái và thân thiện với môi trường.   Hiện Thừa Thiên Huế đã được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc làm đề án, tái tiến cử quần thể di tích cố đô Huế lên UNESCO lần thứ 2, để công nhận những tiêu chí mới, phù hợp hơn.   Sự chia sẻ từ đối tác Hàn Quốc sẽ góp phần giúp địa phương phát triển về kinh tế, xã hội và sớm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương.   2. Gợi sóng sông Hương:    
Cầu Tràng Tiền bắc qua dòng sông thơ mộng     Nói tới Huế, không thể không nhắc tới sông Hương. Sông Hương, dòng sông mang cái tên dịu dàng ấy gắn liền miền đất cố đô, là một phần của Huế. Thật khó có thể tưởng tượng Huế không có sông Hương. Ấy là nói vậy thôi chứ đương nhiên sông Hương là dòng sông của Huế, sông Hương là một phần của Huế; và sông Hương cũng là Huế.   Suốt mấy trăm năm, sông Hương chảy qua trước kinh thành Phú Xuân, hay nói cách khác; toà thành của nhà Nguyễn – vương triều phong kiến cuối cùng được xây dựng trên một bố cục tổng thể hài hoà với thiên nhiên theo những nguyên tắc của Dịch học; mà ở đó dòng sông có ảnh hưởng lớn. Sông Hương đã tạo nên gương mặt của cả kinh thành Phú Xuân; và trải qua bao biến cố trầm luân của lịch sử, sông Hương cũng vẫn tạo nên vóc dáng của thành phố Huế bây giờ. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì sông Hương là một yếu tố quan trọng trong quy hoạch thành phố Huế.   Sông Hương chia thành phố Huế làm đôi: bờ bắc và bờ nam. Bờ bắc là kinh thành cổ xưa, là lầu son gác tía, là những kiến trúc rêu phong in dấu thời gian… của một thời vang bóng. Bờ nam là phố mới, là đô thị mới, là sức sống, là sự phát triển… Một bên là quá khứ, là tĩnh lặng; một bên là hiện tại và tương lai, là những âm thanh sôi động. Đôi bờ sông, như thể hai sự đối lập, nhưng lại vẫn hài hoà, tương hỗ, tôn cao lẫn nhau; không lấn át nhau. Ở giữa là dòng sông, với những gợn sóng, những gợn sóng bao đời của dòng sông êm ả.   Năm 1897 (tức năm Thành Thái thứ 9), cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương được chính quyền Pháp ở Trung kỳ cho xây dựng ở phía tả kinh thành, và hoàn thành sau hai năm xây dựng – năm 1899 (năm Thành Thái thứ 11). Cây cầu thép đã có nhiều tên và cuối cùng được gọi là cầu Trường Tiền ấy; là một trong những cây cầu thép được xây dựng đầu tiên ở Đông Dương, và nhiều tuổi hơn cả cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội – vốn nổi tiếng là một cây cầu thép quy mô, lớn nhất Đông Dương và châu Á bấy giờ (1899 – 1902).   Sông Hồng vốn là một con sông dữ dội, sông Hương êm đềm hơn rất nhiều. Cầu Long Biên dài 1.682m, gấp hơn bốn lần chiều dài cầu Trường Tiền (401m), cầu Long Biên có 19 nhịp, cầu Trường Tiền sáu nhịp (mà dân gian vẫn quen gọi ngược cho thuận vần trong câu ca dao là “6 vài 12 nhịp” – thực chất là “6 nhịp 12 vài”). Không rõ vì lý do kết cấu xây dựng, hay đơn giản là ý đồ sáng tạo trong tạo hình của những tác giả thiết kế; mà hình dáng cầu Long Biên ở Hà Nội có góc cạnh, mạnh mẽ, khoẻ khoắn… còn hình dáng cầu Trường Tiền ở Huế lại dịu dàng, mềm mại, điệu đà…   Dẫu thế nào thì hình ảnh cầu Trường Tiền với những vòm cong soi bóng xuống dòng sông đã trở thành một nét đẹp không phai, một biểu tượng, in dấu trong lòng người dân xứ Huế và cả những người yêu mảnh đất cố đô. Sau này, trên phạm vi thành phố Huế có những cây cầu khác lớn hơn bắc qua sông Hương như cầu Phú Xuân, cầu Chợ Dinh, và gần đây nhất là cầu Dã Viên; thì cầu Trường Tiền vẫn là tâm điểm số một. Trường Tiền như một món trang sức dành riêng cho dòng sông thơ mộng.  

Nguyễn Ngân ( Top Ten Travel) Tổng hợp