Quảng Nam đang tập trung đầu tư kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án khôi phục một đoạn trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh với mục đích không chỉ nhằm lưu giữ di tích lịch sử về một con đường huyền thoại trong kháng chiến, mà còn mở ra triển vọng mới trong phát triển du lịch, kéo du khách lên miền núi cao của tỉnh.
Đường mòn Hồ Chí Minh
Trở lại huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) vào một ngày giữa tháng 5 lịch sử, điều chúng tôi nhận thấy đầu tiên là những con đường giao thông huyết mạch về các xã vùng cao được xây dựng kiên cố hơn trước nhiều. Và từ khi
tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên qua địa bàn và các tuyến đường liên xã được đầu tư xây dựng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển sản xuất.
Bí thư Huyện ủy Chơ Rưm Nhiên phấn khởi chia sẻ: Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp trên, huyện Nam Giang đã đầu tư nâng cấp hệ thống trường học, cơ sở y tế, đường giao thông, mạng lưới điện… bước đầu đã tạo ra diện mạo mới ở nông thôn.
Điều đáng mừng nhất là, vào năm 2013, UBND tỉnh đã có chủ trương khôi phục lại một phần tuyến
đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện. Tuy công trình đang giai đoạn hoàn thiện, du khách đến đây chưa nhiều, nhưng trong tương lai, đây là một điểm đến đầy ý nghĩa khi đặt chân đến các huyện vùng núi cao của tỉnh – Bí thư Nhiên cho biết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Công trình đầu tư khôi phục
đường mòn Hồ Chí Minh (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư) đi qua địa phận xã Cà Dy (huyện Nam Giang) có tổng chiều dài 940m, với tổng mức đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng. Đây là một đoạn trong
tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa. Đã hơn 40 năm trôi qua, tuyến đường này đã xuống cấp theo năm tháng, giờ chỉ còn lại lối mòn nên công tác khôi phục gặp rất nhiều khó khăn.
Khi được hỏi về tiến độ thực hiện dự án, ông Thân Văn Bình, Trưởng Phòng Quản lý Dự án (thuộc Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng công trình Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) cho biết: Qua hơn một năm triển khai, đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, phát quang cây cối, bóc toàn bộ lớp đất che phủ trả lại mặt đường cũ; đồng thời đào mương thoát nước dọc hai bên đường, khôi phục lại các đoạn nền - mặt đường bị hỏng, gia cố các điểm bị sạt lở bằng đất đắp và rọ đá; gia cố lại hệ thống cầu, cống; đồng thời xây dựng các hạng mục phụ trợ.
Đến thời điểm này, đơn vị thi công đã xây dựng xong các công trình như: Láng nghỉ chân (diện tích 32m
2), Nhà trưng bày, đón tiếp (với diện tích 90 m
2), khu nhà ăn - Bếp Hoàng Cầm (với diện tích 55m
2). Các hạng mục như: Hầm chữ A, Hầm bò và hệ thống Giao thông hào… cũng đang gấp rút hoàn thành. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và chính thức đưa vào khai thác vào dịp Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 tới đây.
Tuy nhiên, quá trình triển khai khôi phục còn gặp phải những khó khăn, tồn tại. Theo Ban Quản lý dự án, nguồn vốn ngân sách “rót” chưa kịp thời, tính đến cuối tháng 4-2014, tỉnh mới bố trí 4,8 tỷ đồng, đạt 64% tổng nguồn vốn phê duyêt. Hiện công tác tìm kiếm các hiện vật trong chiến tranh như: xe tăng, thiết giáp, pháo cao xạ và các súng đạn… để trưng bày tại đây phải tốn nhiều thời gian, công sức.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đinh Hài khẳng định: Công trình khôi phục
đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng không chỉ nhằm mục đích giữ gìn di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn mở ra triển vọng phát triển du lịch tại các huyện miền núi của tỉnh.
Ông Hài cho biết, thời gian qua, Quảng Nam đã mở tour du lịch lên các huyện phía tây của tỉnh. Với tour du lịch “
khám phá con đường Trường Sơn huyền thoại” này, du khách sẽ được đặt chân đến các địa danh đi vào lịch sử dân tộc như:
Đường mòn Hồ Chí Minh, căn cứ Khu ủy Khu V và được dịp thưởng ngoạn, ngắm các khu rừng nguyên sinh, các danh thắng tự nhiên: Thác Grăng, hang động Đồng Răm, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; đồng thời được tận mắt chứng kiến những nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ít người khi dừng chân bên các ngôi làng du lịch: Bhờ Hôồng, Đhrôồng và thổ cẩm Zara...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn thông tin: Cùng với đầu tư khôi phục
đường mòn Hồ Chí Minh, UBND tỉnh đã quy hoạch và xây dựng đề án trình các cơ quan chức năng của Chính phủ xây dựng Tượng đài “Huyền thoại Trường Sơn”.
Dự định, Tượng đài được xây dựng tại điểm giao nhau giữa
đường huyền thoại Hồ Chí Minh và Trường Sơn đông tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Toàn bộ quần thể Tượng đài theo phác thảo gồm một quần thể tượng đài với những biểu tượng hào hùng về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Nguồn: Báo Nhân dân Điện tử
Top Ten Travel tổng hợp