Nhà ga Đà Lạt có lối kiến trúc cổ xưa độc đáo, có 3 mái hình chóp, là sự cách điệu ba đỉnh núi Langbiang hay nhà rông Tây Nguyên. Đây là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và hiện đang là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố Đà Lạt.
Nếu ai đó một lần đi tour Đà Lạt mà không ghé thăm nhà ga Đà Lạt- nhà ga cổ nhất Đông Dương thì quả thật đó là một thiếu sót. Bởi có rất nhiều du khách đến với ga Đà Lạt và đặc biệt ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo không nơi nào có được như nơi này. Anh Hùng - một du khách đến từ TPHCM say sưa ngắm đầu máy xe lửa cổ chạy bằng hơi nước mang số hiệu 131 - 428 (Nhật Bản sản xuất năm 1936) trên đường ray rồi trầm trồ: “Cứ ngỡ loại đầu tàu lửa này chỉ có ở bảo tàng hỏa xa hoặc trên sách vở, phim ảnh, nào ngờ lại được nhìn thấy ngay tại ga Đà Lạt”.
Ga Đà Lạt- Ga tàu lửa cổ nhất Đông Dương
Philippe - một du khách người Pháp mải mê chiêm ngưỡng kiến trúc cổ có một không hai của nhà ga Đà Lạt - di tích kiến trúc cấp quốc gia của Việt Nam. Anh tham quan nhiều nước ở Đông Nam Á nhưng chưa thấy nhà ga nào cổ kính và có kiến trúc đẹp như vậy.
Nhà ga Đà Lạt được hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron thiết kế, xây dựng vào năm 1932 và hoàn tất vào năm 1938. Với lối kiến trúc Pháp ấn tượng, là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc nhà rông Tây Nguyên, nhà ga Đà Lạt đang là điểm du lịch thú vị thu hút nhiều khách đi tour du lịch Đà Lạt.
Kiến trúc mái vòm độc đáo của ga Đà Lạt
Thoạt nhìn, hình dáng nhà ga Đà Lạt giống núi Langbiang hùng vĩ, với chiều dài 66,5m; chiều ngang 11,4m và chiều cao 11m. Nếu đem so sánh, kiến trúc Ga Đà Lạt tựa như nhà ga miền Nam nước Pháp với phần nhô ra từ nóc và thụt vào phía chân theo hướng thẳng đứng. Nhà ga có 3 chóp nhọn, tượng trưng cho núi Langbiang – đỉnh núi cao nhất vùng. Phía trước còn có mặt đồng hồ to ghi lại thời gian mà bác sĩ Yersin đã phát hiện ra Đà Lạt.
Đường ray xe lửa hình răng cưa là đường ray hiếm thấy trên thế giới
Điều đặc biệt là tuyến đường ray lên Đà Lạt là tuyến đường ray răng cưa. Đây được xem là tuyến đường ray lạ và độc đáo nhất thế giới chỉ Thụy Sĩ và Việt Nam mới có đường sắt răng cưa. Những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi xây dựng tuyến đường sắt này, đến đoạn Sông Pha - Eo gió hiểm trở, nguời ta phải thiết kế những bánh răng cưa lắp vào tàu; đường ray cũng được chế tạo kiểu răng thay cho ray trơn để đưa tàu vượt độ cao 1.500m (so với mực nước biển) với đồi núi nhấp nhô.
Kiến trúc bên trong của nhà ga Đà Lạt
Hàng ngày từ 8h sáng đến 18h chiều, tại ga Đà Lạt chuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát hoạt động, cứ một tiếng rưỡi lại có một chuyến tàu phục vụ khách du lịch Đà Lạt ra ngoại ô ngắm cảnh và viếng chùa Linh Phước. Đoạn đường tàu chỉ dài 7 km, chạy khoảng 25 phút là đến nơi, mang lại những trải nghiệm khác biệt khi đoàn tàu men qua những cánh rừng thông bạt ngàn.
Chùa Linh Phước là điểm đến duy nhất trong tuyến xe lửa kiểu cổ ở Đà Lạt đang hoạt động phục vụ du khách
Thông qua những cửa sổ của toa tàu du khách thỏa thích nhìn ngắm những đồi thông trập trùng, thung lũng hoa rực rỡ, vườn rau xanh mướt, bầu trời Đà Lạt trong xanh, những làn sương trắng muốt bao phủ núi đồi, tràn vào toa tàu mang lại cảm giác lãng mạn, thơ mộng ít nơi nào có được. Điểm cuối cùng của hành trình ấy, du khách sẽ được tham quan chùa Linh Phước – hay chùa Ve Chai – một kiến trúc Phật Giáo đặc sắc và cùng khám phá thị trấn Trại Mát.
Người ta thường nói Đà Lạt nổi tiếng với hàng loạt công trình kiến trúc Pháp ấn tượng và danh sách đó không thể không nhắc đến ga Đà Lạt- một nét kiến trúc Pháp vô cùng độc đáo và vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay.
S.H (Tổng hợp)