Ninh Thuận, một vùng đất nghèo khó trong tiềm thức bao người giờ đây như đang bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Từ chính sự hoang sơ, mộc mạc của mình, Ninh Thuận đang dần chiếm được cảm tỉnh của đông đảo du khách phương xa. Có những địa điểm đã trở nên quen thuộc như: Vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc Gia Núi Chúa, Tháp Po Klong Garai… thì vẫn còn đâu đó những địa điểm tham quan đầy mộc mạc mà ít nhiều chưa được biết đến.
Nhiều du khách đến với riêng Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thường chẳng biết phải đi đâu để tham quan, giải trí. Các tour tuyến truyền thống gần như đã cạn nguồn cung ứng. Tuy nhiên, du khách cũng đừng quá lo vì sức sống của Ninh Thuận là tiềm tàng.
Cánh đồng sen Mỹ Nghiệp ở là một điểm du lịch mới ở Ninh Thuận.
Hướng về phía Bắc, trên tuyến quốc lộ 1A, hướng đi Nha Trang, dưới chân cầu Thành Hải là một cánh đồng sen từng được đầu tư chăm chút nhưng nay đã trở nên hoang hóa. Cũng vì hoang hóa mà những ao sen nơi đây có một nét đẹp mộc mạc. Những buổi sớm tinh sương tôi thường đi ngang, ngắm nhìn mà cảm nhận mùi hương tỏa ra từ những bông sen dịu ngọt. Màng sương sớm tô màu lóng lánh trên sắc xanh đậm đà với cánh hồng tươi tắn. Những ao sen tự nhiên, không người chăm chút cứ lớn lên, ra hoa, tỏa hương rồi tàn úa, rồi lại lớn lên… như một chu trình của cuộc sống. Đôi lúc dừng chân, tôi muốn như ai đó hái một nhành hoa mà ngắm nhìn và thưởng thức cho thỏa mãn tâm hồn. Nhưng rồi sâu thẳm đâu đó bên trong gọi nhẹ mà đáp rằng: “Anh bạn này, cái đẹp phải để ở chính tự nhiên, anh hái đi thì đâu còn đẹp nữa mà hãy để mọi người cùng ngắm mà suy tư”. Tôi chợt nghĩ sen nơi nào cũng vậy, cái đẹp dường như chính là từ sự cảm nhận mà yêu thương.
Hiếm có nơi nào ở Việt Nam mà bạn có thể nhìn thấy sự hoang sơ đến kỳ lạ của miền đất nắng gió bậc nhất cả nước, nơi núi đá nhấp nhô vươn ra ngoài biển khơi cùng với những bụi xương rồng chạy ngang bờ biển tạo nên một vẻ đẹp rất riêng.
Đi xa hơn chút nữa sẽ là một vùng đồng ruộng trải dài. Ruộng thưa, mảnh nhỏ nhưng trải những thảm màu ấm áp. Khi đồng xanh thì sức nóng cũng dịu dần khiến mọi người cũng giảm nhiều áp lực. Khi đồng chín, lúa vào mùa gặt thì chim bay én lượn rợp trời. Đặc biệt trong góc nhìn tựa núi (Cà Đú) nhìn sông (sông Dinh) cũng đem lại cho cảnh sắc ruộng đồng Ninh Thuận một gam màu rực rỡ. Trong bóng chiều loang lỗ là từng đàn trâu, bò, dê, cừu… lửng thửng đi về trong lối xóm.
Đàn cừu An Hòa
Xã Thành Hải, ngoại ô thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, cũng đang hòa mình trong sự phát triển chung của nền kinh tế toàn tỉnh. Ở đó, từ lâu đã có những cánh đồng dừa vốn kéo dài từ Bình Định mãi vào đây. Thời xa xưa có chẳng nơi đây là địa bàn của bộ lạc Dừa của người Chăm sinh tụ. Ngày nay, nhiều vườn dừa đang mọc lên với dáng vẻ thấp lùn nhưng đong đầy quả mộng. Nước dừa có lẽ là một thức uống tự nhiên giúp xua đi phần nào cái nóng bức, oi ả của vùng đất khô hạn bậc nhất cả nước. Ngồi trong vườn dừa mà cắm cần xuống ao sâu câu cá giải trí và nhắm nháp đôi quả dừa mát lạnh cũng là một điều thú vị. Vùng ngoại ô ấy cũng quy tụ không ít vườn ổi, vườn xoài, vườn táo xanh với nhiều loại quả độc đáo (táo bom, táo gió, táo hồng lê, táo hồng thơm, táo thuốc bắc, táo bánh xe)…
Ổi Ninh Thuận có hương vị rất riêng do thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất này tạo nên.
Vườn ổi nơi đây từng lưu giữ một loại quả cực kỳ thơm ngon, độc, lạ. Ngoài những loại ổi thông thường thì ổi xẻ được già trẻ yêu thích hơn cả, vì độ thơm, ngọt đầy ý vị. Cũng từng có loại ổi vỏ xù xì như da cốc, chát vô cùng nhưng khi đúng sức, ta bỏ đi phần vỏ mà ăn lấy phần hạt bên trong. Phần lõi (hạt) bên trong chỉ như một quả trứng gà, tách rời khỏi quả, ăn không những không nặng bụng mà ngọt thanh vô cùng. Tiếc thay thời gian đã mang đi giống ổi quý này.
Nho là một đặc sản truyền thống ở Phan Rang - Ninh Thuận.
Nho vùng ngoại ô Phan Rang cũng có những sắc riêng của nó. Những vườn nho nơi đây tương đối thấp do địa hình bồi tụ. Nguồn nước của con mương Ngòi (từng là sông sâu đổ ra tận Biển Đông) đem về cho mảnh đất này một lượng phù sa đủ lớn cho nho phát triển. Sự khô cằn nơi khác có ác liệt thì nơi đây vẫn lưu được màu tươi xanh nhất định nhờ sự ưu ái của tự nhiên. Giáp núi nên đất nơi này cũng chứa nhiều kim loại, cứng và nhiều chỗ còn nhiễm phèn với độ chua cao (tiền sử từng là vùng biển với nhiều vỏ sò, ốc ẩn trong lòng đất). Nắng, khô, đất chua pha phù sa đất thịt và đất núi cho những quả nho đậm màu đỏ tím, da dai, dày, giữ mãi được độ tươi. Phần thịt quả dễ dàng tách khỏi vỏ. Cơm thật dày và vận chuyển được đi xa. Rượu, mật nho làm ra cũng thơm, nồng khát lạ.
Đi thêm khoảng chừng 1km, vượt qua địa phận xã Thành Hải để đến với các xã Hộ Hải, Hộ Diêm của huyện Ninh Hải. Trong giấc mộng chiều là văng vẳng âm vang từ gác chuông từ những nhà thờ Công giáo. Sừng sững và cổ kính nhất là nhà thờ - giáo xứ Hộ Diêm, một công trình kiến trúc tôn giáo do người Pháp xây dựng đã gần 200 năm tuổi. Nét đẹp cổ kính của nhà thờ tạo nên một bức tranh trầm mặc, suy tư mà mơ màng về một cõi xa xăm. Nơi mà mọi người lắng lòng, bình yên mà cảm nhận.
Tháp Hòa Lai là một trong những công trình kiến trúc Chăm Pa lâu đời nhất ở Việt Nam.
Dọc quốc lộ 1A là cụm tháp Hòa Lai (thế kỷ IX) đang lặng lẽ ngắm thời gian. Nếu đền Taj Mahal được ví như “giọt nước mắt trên gò má thời gian” thì tháp Hòa Lai (Ba Tháp) chẳng khác nào “chiếc cầu bắt nhịp nối thời gian”. Bởi lẽ chính tháp Hòa Lai đã đánh dấu cho một thời kỳ huy hoàng, đầy vàng son trong kiến trúc Champa xưa. Nhịp cầu Hòa Lai mở đầu cho sự hình thành và hoàn thiện của Po Klong Garai (cuối thế kỷ XIII – đầu thế kỷ XIV) và Po Rome (thế kỷ XVII). Từ những ruộng lúa nông nghiệp, cho đến đồng muối, đìa tôm thì điện gió đang vươn mình cất tiếng. Bỏ lại phía sau những nhọc nhằn của thời kỳ nông nghiệp bức tranh Hòa Lai đang nối dài với nền công nghiệp phát triển.
Và đâu đó, còn nhiều nhiều điều khác nữa. Một dịp nào về Ninh Thuận tôi sẽ kể bạn nhiều chuyện thú vị hơn!
Lê Công Khoa