Trong mấy tháng mùa xuân, nếu đi ngao du trên những cung đường đầy hoa của tỉnh Cao Bằng, du khách thường được chứng kiến lễ hội kéo dài của người Tày. Đó là lễ hội Nàng Hai (còn được gọi là Nàng Trăng), là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo. Theo tín ngưỡng người Tày, Nàng Hai là mẹ mặt trăng chuyên ban phúc và giúp đỡ con người trong việc làm ruộng, dệt vải. Lễ hội này được tổ chức để mời Nàng Hai xuống hạ giới giao lưu cùng bản làng.
Khi hoa xuân và lộc biếc vừa bung nở, nhà nhà đều náo nức chuẩn bị cho lễ. Các đồ cúng lễ được toàn dân trong bản chuẩn bị chu đáo với các món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc, các loại bánh gạo, bánh nếp, bánh gio. Bánh làm từ loại gạo ngon nhất trông trên nương cao nên hương rất thơm, vị ngọt, dẻo ăn no mà không thấy ngán, nhất là khi ăn kèm với món thịt hươu, nai, sóc ướp với các loại gia vị như: rượu, thính gạo tẻ, muối, gừng, hạt tiêu, ớt, sả, tỏi, hạt dồi. Người ta cho thịt vào bình bằng đất nung hoặc sành sứ rửa sạch, phơi khô đậy kín và để nơi thoáng mát, khô ráo, ủ trong 5-7 ngày, sau đó lấy ra chế biến như xào, nướng, hấp ... dậy mùi thơm rất hấp dẫn. Cuối cùng, mâm cỗ cúng nhất thiết không được thiếu đầu heo, xôi, nhang đèn và rượu. Rượu của người Tày làm bằng gạo, ngô, khoai, sắn có khi bằng cả mật mía, chuối quả... Men dùng để ủ rượu thường làm từ các loại lá rừng nên uống rất êm.
Lễ Nàng Hai bắt đầu bằng lễ đón trăng. Trong ngày này, những người đóng vai mẹ Trăng và các nàng Trăng được tẩy trần rồi đứng trước bàn thờ làm lễ hóa thân. Sau nghi lễ của thầy cúng, 12 cô gái đóng vai
nàng Trăng sẽ hát múa theo lời - nhịp cúng của thầy. Tiếp theo lễ đón Trăng, 12 đêm sau đó thì mỗi đêm bản làng sẽ cúng mời một mẹ Trăng xuống trần gian. Các buổi lễ cúng tái hiện hành trình lên trời của 12
nàng Trăng để mời các mẹ Trăng như: mẹ Mạ Mỳ, mẹ Khắc Cơ, mẹ Lạn Ba, mẹ Bích Vân... xuống với bản làng và ban cho dân vật nuôi, cây giống, giúp mưa thuận gió hòa, tránh sâu bệnh. Trong tưởng tượng của người Tày, mỗi mẹ Trăng đảm nhận một phần công việc đồng áng khác nhau và trông coi việc cầu phúc của người trần.
Cuối cùng, lễ cúng tiễn các mẹ Trăng và
các nàng Trăng về trời diễn ra trong tiếng hát thiết tha cùng vũ điệu múa đầy lưu luyến. Người dân trong bản tin tưởng rằng sau những nghi lễ nghiêm cẩn và các bài ca múa dâng cho trời đất đầy nhiệt thành như thế thì mùa màng nhất định sẽ tốt tươi, những ngày tháng trong năm ai cũng được no ấm.
Sau lễ, phần
hội Nàng Hai cũng rất hấp dẫn nhờ các trò chơi dân gian như hát lươn Hai, bói việc sản xuất, bói tình duyên... Lễ thường do một nhóm trai gái tụ tập trên nhà sàn, thắp hương mời Nàng Hai về nhập vào cô gái nào đó để hát đối đáp, hoặc là dân bản đứng ở một sân bãi, trong đó có một người chủ chốt làm lễ mời Nàng Hai về, kèm theo đó là nghi lễ múa quạt. Cho dù không cố định, không đúng thời gian nhưng nhìn chung
lễ hội Nàng Hai đều được tổ chức theo trình tự khá bài bản.
Một số hình ảnh trong lễ hội Nàng Hai tại Cao Bằng:
Top Ten Travel
Theo: DNCT