Như lời hẹn ước của thiên nhiên, mỗi độ tháng 8 khi bông điên điển bắt đầu nở rộ vàng rực cả cánh đồng cũng là lúc dòng nước lũ từ đầu nguồn sông Mê Kông tràn về, mang theo phù sa màu mỡ và thủy sản dồi dào đến các tỉnh miền Tây. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của mảng du lịch miền Tây...
Trà Sư - Bản giao hưởng của thiên nhiên
Năm nay, con nước về sớm hai tuần hứa hẹn là dịp để du khách thoải mái chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, thú vị và nếp sinh hoạt độc đáo trên biển nước mênh mông của người dân bao năm bám theo con nước nổi. Nhiều công ty du lịch đã lên các chương trình giới thiệu phong cảnh và sản vật đặc trưng miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi mà
rừng tràm Trà Sư là một ứng cử viên sáng giá.
Rừng tràm Trà Sư
Hầu hết các công ty du lịch đều có hành trình xuôi về An Giang thăm
rừng tràm Trà Sư - đặc trưng nhất cho hệ sinh thái vùng ngập nước tứ giác Long Xuyên bên cạnh các điểm tham quan khác. Đó là chuyến lướt tác ráng trên dòng sông Hậu phù bèo xanh ken kín mặt nước và những láng sen, láng súng dày đặc. Trải nghiệm chèo xuồng ba lá tiến vào sân chim càng thú vị hơn với việc tận mắt chứng kiến những loài chim như: chích cổ, cò ma, dòng dọc...và hai loài nằm trong sách đỏ Việt Nam là giang sen và cò cổ rắn (điêng điểng). Khi trời chạng vạng, nơi đây lại dấy lên những âm thanh xôn xao của hơn 70 loài chim bay về tổ, tựa như bản giao hưởng mộc mạc của thiên nhiên.
Trà Sư - Bản giao hưởng của thiên nhiên
Thích nhất là những "con đường nước" trong
rừng tràm Trà Sư. Mùa nước nổi, nước che mất mặt đường nhưng những cây tràm bên lề đường cao hơn mặt nước hình thành những "con đường nước". Bèo cám phủ một tấm thảm màu xanh lên "mặt đường", hai bên tràm vòng tay che mát. Thỉnh thoảng, tiếng mái chèo, tiếng chim, tiếng cá quẩy làm xáo động không gian yên tĩnh của khu rừng.
Đên với
rừng tràm Trà Sư du khách còn có dịp hóa thân thành nông dân chính hiệu tự tay xuống ruộng thu hoạch củ ấu, bông điên điển, đặt lợp bắt cá... Nhất là khi đàn cá linh non năm nay về sớm, khách ngồi thuyền trên kênh cũng có thể chạm phải từng đàn cá trôi về rất thú vị. Những đặc sản mùa nước nổi sẽ được chế biến thành những món ăn dân dã gánh theo hương vị của miền quê sông nước như cá linh chiên bột, cá lóc nướng trụi ăn kèm lá sen non, lẩu cá linh bông điên điển... sẽ khiến những thực khách sành ăn không thể nào quên.
Kỳ thú Tràm Chim
Vườn quốc gia Tràm Chim
Bên cạnh đó, các công ty du lịch còn có thêm điểm tham quan
Tràm Chim Đồng Tháp. Nằm sâu trong vùng chiêm trũng Tam Nông, với tổng diện tích 7.588ha.
Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong tám khu vực bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam, và là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 2.000 của thế giới. Đây là hệ ngập nước đồng cỏ cuối cùng của Việt Nam, phong phú về mặt đa dạng sinh học và nổi tiếng với loại sếu đầu đỏ hay sếu cổ trụi, một trong những loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế.
Kỳ thú Tràm Chim
Vào mùa nước nổi, nước từ sông Mê-Kông tràn vè ngập cả những cánh đồng, biển
Vườn quốc gia Tràm Chim thành một ốc đảo giữa trời nước mênh mông. Trên các cánh đồng, hàng ngàn cánh cò trắng điểm xuyết trên nền thảm xanh mát tạo nên khung cảnh rất ấn tượng. Bước lên chòi canh, phóng tầm mắt trải rộng về phía chân trời, khách như ôm vào lòng bức tranh thiên nhiên thuần một màu xanh mát dịu.
Ngoài ra, du khách sẽ có những trải nghiệm đầy lý thú khi khám phá
khu du lịch Đồng sen Tháp Mười với phong cảnh đẹp hoang sơ của đồng sen bát ngát và ghi lại những khoảng khắc lãng mạn trong khung cảnh nên thơ, hữu tình.
Thái An _ Top Ten Travel
Nguồn: DNCT