Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắc Nông Nguyễn Anh Bằng cho biết: Từ nguồn tin người dân ở xã Long Sơn, huyện Đắc Mil phát hiện hai bộ đàn đá cổ, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khảo sát thực địa, thu thập thông tin tại cơ sở.
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy: đây là hai
bộ đàn đá, một bộ gồm bảy thanh và một bộ gồm 10 thanh, do gia đình ông Bùi Đức Mai, trú tại thôn Đông Sơn, xã Long Sơn, huyện Đác Mil tình cờ phát hiện được trong khi đào hố trồng tiêu. Sau đó, gia đình ông Mai đã nhượng lại cho ông Hoàng Xuân Toàn, trú tại thôn 6, xã Đác R’la, huyện Đắc Mil.
Bộ đàn đá 7 thanh
Theo khảo sát bước đầu, hai
bộ đàn đá này có niên đại trên dưới 3.000 năm tuổi và so sánh với các bộ đàn đá khác được phát hiện trước đây ở tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng thì hai bộ đàn đá này có sự tương đồng về kiểu dáng và giá trị lịch sử, văn hóa...
Để gìn giữ, bảo quản hai
bộ đàn đá này không để rơi vào tay của các “đầu nậu” mua bán đồ cổ, Bảo tàng tỉnh Đác Nông đã có công văn kiến nghị UBND huyện Đác Mil chỉ đạo các phòng chức năng tuyên truyền, vận động hộ dân đang sở hữu hiện vật lưu giữ, bảo quản kỹ lưỡng hiện vật, không bán, trao đổi, làm hư hại, mất mát,... dưới bất cứ hình thức nào để tiếp tục nghiên cứu.
“Đến chiều 29-5, hai
bộ đàn đá này đã được chuyển cho UBND xã Đác R’la tạm giữ và tuyên truyền, vận động người dân bàn giao cho Bảo tàng tỉnh cất giữ. nếu người dân đồng ý, Bảo tàng tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí về công phát hiện”, ông Nguyễn Anh Bằng cho biết.
Bộ đàn đá 10 thanh
Như vậy, sau bộ đàn đá ba thanh được phát hiện ở suối Đác Ka, xã Quảng Tín, huyện Đác R’lấp vào năm 1993, đến nay người dân lại tiếp tục phát hiện các bộ đàn đá bảy thanh và 10 thanh ở xã Long Sơn, huyện Đác Mil, tỉnh Đác Nông.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Đắc Nông đang tiến hành lập hồ sơ về hai bộ đàn đá cổ này để gửi Viện Khảo cổ học xác nhận và sắp tới sẽ mời các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học tiến hành khảo sát tại khu vực phát hiện hai bộ đàn đá này.
Theo
Luật Di sản quốc gia, hiện vật được phát hiện trong lòng đất thì thuộc sở hữu quốc gia.
Vì vậy, chính quyền địa phương sẽ vận động chủ nhân tự nguyện giao nộp
đàn đá cho Nhà nước để tiện cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong giáo dục truyền thống.
Nguồn: Nhân dân Điện tử