Nằm bên sông Guadalquivir, Cordoba là một trong những thành phố thu hút đông khách du lịch nhất của vùng Andalicia - miền nam Tây Ban Nha.
Nơi đây đã từng là thành phố lớn nhất Tây Âu vào thế kỷ thứ 10. Sau khi đế chế La Mã sụp đổ,
Cordoba đã trở thành thành phố của người Cơ đốc giáo vào thế kỷ thứ 6. Đến thế kỷ thứ 8, Corldoba trở thành thành phố của người Hồi giáo. Đến đây, bạn sẽ bắt gặp những công trình mang đậm phong cách Hồi giáo tuyệt đẹp vẫn còn lưu giữ lại để minh chứng cho thời kỳ vàng son lúc bấy giờ.
Thành phố miền nam Tây Ban Nha - Cordoba
Công trình nổi bật nhất
thành phố Corldoba là thánh đường Mezquita được xây vào thế kỷ 8-10, nguyên là nhà thờ Hồi giáo Moorish trên nền một đền thờ La Mã. Đây là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất và đẹp nhất châu Âu trước khi được chuyển thành nhà thờ Thiên chúa giáo năm 1236. Nhìn bề ngoài nhà thờ không có vẻ gì đặc biệt vì tất cả đều đã cũ và phai tàn theo thời gian, thế nhưng khi vừa đặt chân vào cánh cửa tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nó quá tráng lệ, tôi phải dùng từ "tráng lệ" vì bên trong này hoàn toàn là một công trình khác, công trình của tôn giáo, công trình của kiến trúc, công trình của cả nhân loại. Nơi đây đã từng là thủ đô của cả Tây Ban Nha Thiên chúa giáo lẫn Tây Ban Nha Hồi giáo. Được xây dựng trong suốt 200 năm từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 10, Mezquita khởi đầu là một thánh đường Hồi giáo được xây dựng trên nền một nhà thờ cũ của người Germain, vẫn còn những họa tiết trang trí được lưu giữ. Nơi đây từng là một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất của người Hồi giáo và là nơi được vua Charles V chọn để xây dựng
thánh đường Baroque vào thế kỷ 16. Những mái vòm uốn cong với gam màu trắng đỏ là điểm nhấn chính của nhà thờ. Nó cứ nối tiếp nhau đến khu cầu nguyện chính và từ đây nó chuyển sang hẳn một kiến trúc khác: kiến trúc gothic với gam màu trắng và mái vòm cao vời vợi.
Lang thang trong khu phố cổ
Đỏ rực váy Hamenco
Đây là điều mà tôi hào hứng nhất khi đi du lịch bất cứ nơi nào: lang thang trong những con phố cổ để cảm nhận cái nét riêng của từng nơi mà tôi đến.
Khu phố cổ Paseo de Julio (tạm dịch là khu phố cổ của người Do Thái) toát lên mình một nét rất đặc trưng, những con đường lát sỏi đá cuội uốn lượn theo những ngôi nhà trắng với những ô cửa sổ màu xanh biển đậm, trên các bức tường phía ngoài tô điểm bởi những chậu hoa màu sắc đầy chất nghệ thuật tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Những cửa hàng lưu niệm nhỏ xinh với lối trang trí thu hút như mời chào du khách hãy ghé vào đây một chút thôi. Những bộ váy Hamenco đỏ chấm bi đen treo bên ngoài thu hút bao ánh nhìn của những bé gái.
Đâu đó trên những bức tường trắng tinh được trang trí bởi những chiếc đĩa gốm nhiều màu sắc khiến bao du khách thích thú ngắm nhìn. Đôi khi tôi lại nép vào bên lề đường để nhường lối cho chiếc xe ngựa chở khách đi qua phố cổ.
Thân thiện và hiếu khách
Bánh của người Tây Ban Nha
Đó là từ mà tôi muốn nói về
người Tây Ban Nha. Họ là những người luôn đam mê với nghệ thuật, gia đình và niềm tin. Chỉ với một món ăn ngon, một khoảng sân nhỏ ngập nắng, một cây đàn guitar, tất cả đều có thể tạo nên một "fiesta" - bữa tiệc nhỏ cho họ cùng thưởng thức, ca hát và thư giãn. Bạn có thể dễ dàng cảm nhận nó tại đây, ở một quán cà phê thôi, cũng nghe thấy họ hát, múa và nói chuyện rôm rả. Dù không quen biết, họ cũng cầm lấy tay bạn mời vào hòa cùng cuộc vui.
Người Tây Ban Nha có thói quen ăn nhẹ trước bữa ăn chính, họ gọi là "Tapas". Đó là món ăn nhỏ, đôi khi chỉ là miếng bánh mì cắt vuông ăn kèm với cá hồi, pho mát, hay đơn giản chỉ là những lát thịt heo xông khói. Nhấm nháp từng ngụm Sangria và tận hưởng khoảng thời gian cuối ngày tại đây, những giây phút thư giãn hiếm hoi tôi ít khi tìm thấy ở những nơi phồn hoa đô thị. Khung cảnh, con người nơi đây đã làm tôi quên đi những âu lo của cuộc sống. Chắc rằng một ngày nào đó không xa, tôi sẽ trở lại thành phố xinh đẹp này.