Chất nắng Ninh Thuận

13/09/2022

Cẩm nang du lịch

Mục lục bài viết
Ninh Thuận được biết đến như một vùng đất khô cằn và nắng nóng bậc nhất cả nước. Nhiệt độ trung bình năm luôn trên 26 - 270C. Lượng mưa trung bình năm chỉ vào khoảng 700 - 800mm. Nguồn nước phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và trung tâm tỉnh. Nguồn nước ngầm trong địa bàn tỉnh chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước. Thiếu mưa thừa nắng từ lâu đã trở thành một đặc trưng riêng biệt của vùng đất cổ Panduranga. Nói đến nắng nóng là nói đến một nền nhiệt cao, có thể làm cháy bỏng bất cứ làn da nào thiếu sự che chắn. Nguồn nhiệt ấy tồn tại trong hàng trăm năm qua đã thiêu đốt và biến vùng đất Ninh Thuận thành một vùng hoang mạc, bán hoang mạc. Cảnh sắc thiên nhiên nhiều nơi khô cằn với nhiều loại cây bụi, cây gai… Đất đai thường nứt nẻ. Gia súc, gia cầm thường khát khô. Cây cối tiêu điều so với nhiều khu vực khác. Nguy cơ cháy rừng luôn là một yếu tố tiềm ẩn ở các cánh rừng Ninh Thuận. Tuy nhiên, nắng nóng cũng đem lại một “chất” rất riêng cho mảnh đất Ninh Thuận, có thể gọi là khó khăn nhưng cũng hàm chứa không ít lợi ích. [caption id="attachment_72594" align="alignnone" width="680"]Đồi cát Nam Cương Ninh Thuận Đồi cát Nam Cương[/caption] Nắng nóng tạo cho vùng đất Ninh Thuận những cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ lạ lùng. Một cung đường biển với cát trắng, nắng vàng chạy dài từ Cà Ná đến tận địa vực Cam Ranh (105km). Nước biển xanh trong. Núi nhô tận biển, khoang cắt tạo nên những góc đường uốn lượn quanh co, nằm mơ màng bên bờ biển xanh. Những bãi cát dài trắng mịn đã qua đang thu hút không ít sự quan tâm của du khách gần xa. Vịnh có Vĩnh Hy. Biển có Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná. Cảng có Đông Hải, Ninh Chữ, Cà Ná. Tất cả đã tạo nên một kỳ quan thu nhỏ. Đi qua cung đường ven biển ấy, khách không khỏi ngỡ ngàng bởi nền nước xanh trong mà góp phần tạo nên sắc xanh ấy chính là những sợi nắng tươi giòn xuyên thấu qua từng mạch nước. Sóng lăn tăn xô bờ yên ả. Những rạn san hô trải dài với sắc màu, kiểu dáng độc đáo, đẹp mắt là nơi lưu trú của trên 500 loài thủy hải sản. [caption id="attachment_72595" align="alignnone" width="680"]Hải đăng Mũi Dinh1 Hải đăng Mũi Dinh có tuổi đời hơn 100 năm[/caption] Rời cảng Cà Ná , xuôi về huyện Thuận Nam, du khách sẽ bắt gặp một ngọn hải đăng xưa được người Pháp xây dựng từ năm 1931 – Mũi Dinh. Một công trình cổ đứng uy nghi, trầm hùng, soi mình xuống mặt biển xanh trong, tỏa tầm mắt mà nhìn về đồi cát Nam Cương. Chính cái nắng Ninh Thuận đã tạo nên sự khô cằn nhưng nhờ vậy mà hình thành nên những bãi cát trắng mịn chạy dài. Cát mịn màng, mỏng, nhẹ, dưới sắc nắng và gió Phan Rang đã thổi bùng thành những con sóng cát óng ánh nhiều màu. Từng hạt cát như những cô cậu bé đang chạy nô đùa vui vẻ thu hút mọi ánh nhìn. Đôi chỗ còn lưu được những vũng nước nhỏ như những ốc đảo nằm trồi lên giữa lòng sa mạc. Thỉnh thoảng là những đàn cừu, dê nhắm nháp cỏ đi ngang tạo nên bức tranh của một vùng đất Mông Cổ nào đó ở Việt Nam, với dân du mục và hoạt động chăn thả. Cây cối thấp lè tè xen lẫn vài mảng cỏ xanh tạo cảnh quan của một vùng thảo nguyên rộng lớn. Nơi đây đã sớm được khai thác phục vụ các cuộc đua mô tô, ô tô địa hình mang tầm quốc gia và quốc tế. Khu thể thao mạo hiểm Tanyoli đã tận dụng ưu thế này để phát triển hàng loạt dịch vụ phục vụ các tour tuyến du lịch đến với Ninh Thuận. Đến đây du khách có thể tham gia trải nghiệm cảm giác mạnh trên những chiếc xe địa hình chạy xuyên lòng sa mạc hay ngắm cát bay, cắm trại du lịch trên thảo nguyên và thưởng thức nhiều món ăn bản địa đầy hấp dẫn như: hải sản, thịt dê, cừu, món ăn Chăm, các món bánh căn, bánh xèo, bánh hỏi… [caption id="attachment_72596" align="alignnone" width="680"]Muối Cà Ná Muối Cà Ná là một thương hiệu nổi tiếng ở Ninh Thuận[/caption] Hướng về Ninh Hải là những cánh đồng muối trắng ngần hiện ra. Cảnh quan cực đẹp vào lúc sáng sớm khi bình minh gõ cửa hoặc lúc chiều tà khi hoàng hôn buông xuống. Từng sợi nắng, chùm nắng chiếu xuyên qua lớp muối mỏng làm ánh lên những sắc màu lung linh pha lẫn từng giọt mồ hôi của những người diêm dân cần mẫn. Những đống muối như từng hòn đảo nhỏ nhấp nhô gợn lên giữa nền trời xanh và sắc nước trong biếc. Sau lưng là những dãy núi trùng điệp che chắn cho các cánh đồng muối thêm yên bình đến lặng lẽ. Đường bờ biển dài với thời tiết gần như nắng nóng quanh năm, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lợi thế để sản xuất muối. Toàn tỉnh có 2.371 ha đất làm muối, trong đó có 1.891 ha muối công nghiệp và 480 ha muối nền đất (còn gọi là muối ăn, muối diêm dân). Nếu cả nước có 7 đồng muối lớn thì Ninh Thuận đã có đến 3 là: Cà Ná, Tri Hải và Đầm Vua. Sản lượng muối của Ninh Thuận chiếm khoảng 50% tổng sản lượng muối cả nước. Nước biển Ninh Thuận có độ mặn cao, lại chịu năng lượng bức xạ lớn của mặt trời, nhiệt độ cao, nắng và nhiều gió là điều kiện không gì tốt hơn cho việc làm muối. Muối Ninh Thuận có độ trắng trong tự nhiên và hàm chứa nhiều khoáng chất rất tốt cho sức khỏe, phục vụ đắc lực cho các ngành công nghiệp chế biến. [caption id="attachment_72597" align="alignnone" width="680"]Cà Ná Cung đường biển Cà Ná[/caption] Nắng Ninh Thuận góp phần bồi dưỡng cho các vườn cây ăn quả nhiệt đới thêm ngon, ngọt. Nho đỏ tím, nho xanh, táo xanh, xoài, ổi, dừa… đều căng mọng, trĩu quả. Sắc nắng làm lớp vỏ thêm đậm màu, bảo quản được lâu, vận chuyển được đi xa. Chất đường, kali cũng cô đậm tạo độ ngọt hài hòa pha lẫn vị chua của đất phèn của vùng đất từng một thời bị đại dương bao phủ. Nắng giúp hành, tỏi phát triển tốt với độ kết tinh của tinh dầu cực cao mà nhưng địa phương khác không bao giờ đạt được. Tỏi, hành Phan Rang có vị thơm rất cao, độ nồng, độ hăng lớn. Người Nhật rất chuộng loại tỏi cô đơn (tỏi mồ côi) của Ninh Thuận để chế biến tỏi đen. Loại tỏi này có rất nhiều công dụng như: ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa trụy tim mạch, ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh… Những người nông dân thường dùng tỏi làm gia vị trong chế biến thức ăn như một phần không thể thiếu. Một số người đơn thuần dùng tỏi ngâm rượu uống trừ cảm cúm và một số bệnh theo kinh nghiệm dân gian. So về thương hiệu và sự đầu tư của các công ty lớn, tỏi Ninh Thuận có phần thua kém tỏi Lý Sơn nhưng nếu khai thác phục vụ y dược thì tin chắc tỏi Ninh Thuận hoàn toàn vượt trội. Nếu chọn ăn sống thì tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) dễ ăn hơn vì độ cay nồng vừa phải nhưng nếu chế biến thức ăn thì tỏi Phan Rang đậm đà hơn ở độ thơm của tinh dầu… Nắng làm nên chất riêng cho hành, tỏi… thì đến cây trôm được trồng trên mảnh đất nghèo cũng cho loại mủ có độ trong, sáng, sánh, giàu dinh dưỡng đến lạ lùng. Gần như những cái gì quý giá về dinh dưỡng đều được các loài cây hấp thụ, biến chế thành nguồn dinh dưỡng vô tận. Mủ trôm là thức uống, thức ăn bổ rẻ nhưng giàu công dụng: thanh nhiệt, giải độc, đẹp da, mát gan, giảm béo… Thêm vào đó, Ninh Thuận cũng có nhiều loại gỗ quý như: mun, cẩm lai, cẩm liên, căm xe, hương, gụ, cà chít,… Gỗ Ninh Thuận phát triển trên một vùng đất khô hạn, cằn cỗi, nhiệt cao, thiếu nước trầm trọng… nên chất gỗ cứng cáp lạ thường, có thể nói là tốt nhất so với các vùng khác. Để một cây gỗ đạt đến độ tuổi khai thác được thì mất hàng chục, hàng trăm năm trở lên. Vì thế giá thành của nhiều loại gỗ khai thác tại Ninh Thuận có giá thành cao hơn hẳn các loại gỗ cùng loại được bán trên thị trường. Hiện các loại gỗ quý đã dần cạn kiệt nhưng dấu tích của nó còn lưu dấu đậm nét trong các ngôi nhà cổ của người Kinh, người Chăm, các thánh đường… thông qua kiến trúc kết cấu khuôn nhà và đồ dùng. [caption id="attachment_72598" align="alignnone" width="680"]Vĩnh Hy Biển Vĩnh Hy[/caption] Nắng Ninh Thuận làm các loài cây thấp lùn, trong đó cây bụi và xương rồng đã trở thành một đặc trưng. Mủ cây xương rồng từng được người Pháp khi vào vùng đất Ninh Thuận sử dụng như một chất kết dính cùng với cát và vôi. Chất xi măng này được dùng để dựng nên các giáo xứ - nhà thờ Công giáo tồn tại gần 200 năm lịch sử (Tấn Tài, Hộ Diêm…). Ngoài ra, nhựa dây tơ hồng, dầu rái… chiết xuất từ các loại cây bụi cũng được dùng trong xây dựng. Có lẽ các tháp Chăm cổ kính hàng nghìn năm tuổi cũng áp dụng phương pháp kết dính này. [caption id="attachment_72599" align="alignnone" width="680"]Nhà thờ Tấn Tài - Phan Rang Nhà thờ Tấn Tài[/caption] Nắng góp phần tích cực vào công việc phơi các loại nông sản, ngũ cốc và các loài cá, mực… Đặc biệt, nắng giúp các tấm pin năng lượng mặt trời phát huy tác dụng. Trong tương lai, nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ là một nguồn năng lượng sạch, rẻ và vô tận đóng góp tích cực vào sinh hoạt và sản xuất. Nhìn chung, nắng Ninh Thuận đã mang trong mình một chất rất riêng. Thiếu nó Ninh Thuận không còn là chính mình!

Lê Công Khoa