Sự kiện Bảo tàng Đông - Nam Á với hình ảnh cánh diều quen thuộc của nền nông nghiệp lúa nước khai trương là điểm đến mới lạ cho khách du lịch mọi miền. Sự ra đời của Bảo tàng Đông- Nam Á là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật 2013.
1. Bảo tàng Đông - Nam Á đầu tiên trong khu vực
Bảo tàng Đông Nam Á là một trong 10 sự kiện nổi bật về khoa học 2013
Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tòa nhà Cánh diều hay còn gọi là
Bảo tàng Đông - Nam Á đã nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực của giới nghiên cứu cũng như khách tham quan từ khi chính thức đi vào hoạt động (1-12-2013).
Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam kết hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông của Bộ Khoa học và Công nghệ đã bình chọn sự ra đời của
Bảo tàng Đông - Nam Á là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2013. Mặt khác, cánh diều giúp cho vị trí của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vững chắc hơn trong danh sách 10 bảo tàng hàng đầu châu Á do Trip Advisor, một website uy tín về du lịch đánh giá.
Kết quả này hoàn toàn xứng đáng với công sức và tâm huyết của các thế hệ cán bộ và nhân viên dành cho
Bảo tàng Đông - Nam Á trong một thời gian dài. Quá trình xây dựng công trình này trải qua không ít sóng gió. Ý tưởng về khu trưng bày Đông - Nam Á đã xuất hiện ngay khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chưa khánh thành (1997). Nhưng phải một thập niên sau,
Bảo tàng Đông - Nam Á mới được khởi công xây dựng. Tòa nhà không thể hoàn thiện trong năm 2008 theo dự kiến vì lý do kinh phí.
Từ năm 2006 đến năm 2010, các đoàn nghiên cứu của
Bảo tàng Đông - Nam Á đã sưu tầm hơn 2.000 hiện vật và 100 băng ghi hình, ghi âm. Phần lớn các hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng đều là sản phẩm của những chuyến đi kỳ công trong năm năm này.
Hiện nay,
Bảo tàng Đông - Nam Á dưới dáng hình của cánh diều chở gió đã tương đối hoàn chỉnh với diện tích gần 7000 m
2. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chỉ có tầng một (khu trưng bày thường xuyên về văn hóa Đông - Nam Á)đang mở cửa đón khách. Tại đây, trưng bày gần 400 hiện vật và 130 ảnh theo năm chủ đề chính: tôn giáo, nghệ thuật biểu diễn, đời sống xã hội, đời sống hằng ngày và đồ vải. Ba tầng còn lại của bảo tàng sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Theo PGS.TS. Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, văn hóa Đông - Nam Á được trưng bày ở một số bảo tàng trong khu vực, tuy nhiên,
Bảo tàng Đông - Nam Á sẽ là nơi đầu tiên có không gian riêng để trưng bày và tổ chức các hoạt động thường xuyên để kết nối với văn hóa khu vực.
2. Cánh diều chờ ngày gặp gió
Kiến trúc đặc biệt của bảo tàng Đông- Nam Á
TS Lưu Anh Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: “Từ ngày mở cửa tòa nhà Cánh diều, số lượng khách tham quan bảo tàng nhìn chung không có nhiều thay đổi”. Giải thích về điều này, ông đưa ra ba lý do chính. Đó là do tình trạng du lịch trì trệ, kinh tế suy thoái và do khu trưng bày hướng tới đối tượng chính là khách Việt Nam. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, việc xây dựng khu trưng bày Đông - Nam Á là kết quả từ sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam, nỗ lực nhiều năm của bảo tàng và một phần tài trợ từ dự án “Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam” của Chính phủ Pháp.
Từ khi xây dựng, khó khăn lớn nhất
Bảo tàng Đông - Nam Á luôn gặp phải là vấn đề tài chính. Hiện nay, không gian rộng lớn của ba tầng còn lại trong tòa nhà Cánh diều vẫn chưa thể đi vào hoạt động cũng vì nguyên nhân này. Bộ sưu tập:
Dân tộc học loại hình châu Á của GS. Kaneko Kazushige (Nhật Bản),
Tranh kính Indonesia của ông bà TS. Rosalia - Sciortino (Italia),
Một thoáng văn hóa thế giới của GS. Lê Thành Khôi (Việt kiều tại Pháp) hiến tặng chưa có cơ hội đến với công chúng.
Anh David Gross, khách du lịch người Mỹ chia sẻ: “Khu trưng bày có rất nhiều hiện vật đẹp và quý hiếm như trang phục các dân tộc. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật hơn nữa ở lần tham quan tiếp theo”. Còn bác Lê Anh Quang, khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh nói: “Tôi muốn xem nhiều tư liệu sâu hơn về văn hóa Đông - Nam Á”.
Như vậy, khu trưng bày gần 500 m
2 ở tầng một bảo tàng đã để lại ấn tượng nhất định đối với người tham quan, tuy nhiên, công chúng chưa thể giải cơn khát thông tin khi những không gian vẫn còn bị bỏ trống của
Bảo tàng Đông - Nam Á.
Theo ban lãnh đạo, khi có kinh phí, bảo tàng sẽ nhanh chóng trưng bày bộ sưu tập lớn do các nhà văn hóa hiến tặng ở tầng hai, tổ chức triển lãm chuyên đề ở tầng ba và bảo quản kho tư liệu nghe nhìn ở tầng bốn.
Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Lưu Anh Hùng khẳng định: “Bảo tàng luôn có sẵn rất nhiều ý tưởng để phát triển khu trưng bày Đông - Nam Á”. Tuy nhiên, những ý tưởng này vẫn chưa thể thành hiện thực nếu thiếu sự đầu tư từ phía Nhà nước cũng như các quỹ quốc tế.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong 20 năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam liên tục đưa các hoạt động đậm chất văn hóa Đông - Nam Á vào nhiều sự kiện tại khu vực bảo tàng ngoài trời. Những quyết tâm, trăn trở và tâm huyết của các thế hệ cán bộ vào
Bảo tàng Đông - Nam Á giống như một “Cánh diều” âm ỉ chờ ngày “gặp gió” để được hội nhập và lan tỏa trên bầu trời văn hóa.
Top Ten Travel Tổng hợp
Nguồn: Báo Nhân Dân Điện Tử