Càn quét những món ngon đặc sản ngày Tết ở miền Nam

22/11/2023

Cẩm nang du lịch

Mục lục bài viết

Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán thì mỗi vùng miền sẽ có những văn hoá và phong tục riêng. Tuy nhiên, nhìn chung hầu như tại nơi nào cũng đều sẽ chuẩn bị một mâm cỗ với nhiều món ăn hấp dẫn cho ngày Tết. Nếu như Tết Hà Nội có thịt đông, ở Huế có tôm chua thịt luộc thì Tết ở miền Nam có gì? Cùng Top Ten Travel khám phá những món ngon đặc sản trong ngày Tết cổ truyền tại miền Nam trước khi bắt đầu tour du lịch trong nước, bạn nhé!

1. Thịt kho Tàu

Đương nhiên, mỗi khi nhắc đến ngày Tết Nguyên Đán ở miền Nam thì không thể nào thiếu được nồi thịt kho Tàu. Món ăn này được chế biến vào mỗi dịp đầu năm mới một phần vì tiện lợi. Bởi thịt kho có thể được làm sẵn trước đó, để được khá lâu và tiện khi ăn. Món ăn này được hiểu đơn giản là thịt heo và hột vịt luộc mang đi kho cùng nước dừa. Theo truyền thống triết lý phương Đông, thịt kho hột vịt trông giống hình ảnh vuông tròn tượng trưng cho đất trời, cha mẹ như thể hiện sự biết ơn đối với trời đất và đấng sinh thành trong những ngày đầu năm mới.

Mỗi khi nhắc đến ngày Tết Nguyên Đán ở miền Nam thì không thể nào thiếu được nồi thịt kho Tàu

2. Canh khổ qua

Món ăn ngày Tết của người miền Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó, phải kể đến là món canh khổ qua quốc dân này. Theo quan điểm của người xưa, món canh này giúp xua đi những cực khổ, đắng cay của năm cũ để chào đón một năm mới thuận lợi, tốt lành và bình an hơn. Với cách chế biến đơn giản, những trái khổ qua được làm sạch ruột để cho phần nhân vào bên trong. Phần nhân thường gồm thịt heo hoặc chả cá xay nhuyễn, cho thêm chút nấm mèo để nấu lên được dai ngon hơn. Sau đó, mang khổ qua đi hầm và nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Khi dùng, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng nhè nhẹ của khổ qua, vị ngọt thanh của nước dùng và vị độc đáo của phần nhân, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị lạ miệng cho mâm cỗ ngày Tết.

Canh khổ qua - Món ăn ngày Tết của người miền Nam

3. Dưa món

Bên cạnh hình ảnh lặt lá mai, hội tảo mộ, những bó củ hành, củ kiệu hay dưa cải được phơi ngoài sân cũng chính là hình ảnh báo hiệu ngày Tết ở miền Nam. Bởi cứ mỗi dịp đầu năm mới, bạn sẽ thấy các bà, các mẹ mua chúng về ngâm, phơi để chế biến thành các món ăn kèm, gọi chung là dưa món. Đây là một trong những món ăn được yêu thích nhất vào ngày Tết. Vì hầu hết các mâm cỗ ngày Tết đều nhiều dầu mỡ, trong khi đó dưa món lại chua ngọt như giúp bạn “giải ngán” trong những bữa tiệc. Hơn nữa, theo dân gian, củ kiệu còn có vị đắng nhẹ giúp làm ấm bụng và hỗ trợ giảm triệu chứng đầy hơi nữa đấy nhé!

Dưa món - Đây là một trong những món ăn được yêu thích nhất vào ngày Tết

4. Dưa giá

Bên cạnh dưa món thì dưa giá cũng là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhất trong những ngày Tết ở miền Nam. Món ăn này được ngâm chua nên khá dễ làm và vô cùng thích hợp để ăn kèm với các món như thịt ngâm mắm, thịt kho tàu,... vào ngày Tết. Chẳng những giúp bạn thêm ngon miệng mà còn “đỡ ngán” với những món nhiều dầu mỡ kia.

Dưa giá là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhất trong những ngày Tết ở miền Nam

5. Lạp xưởng

Theo quan điểm của người Á Đông, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Hơn nữa, những chiếc lạp xưởng còn có kiểu dáng giống một xâu bao tiền đỏ như thể hiện sự cầu mong về một năm mới may mắn và giàu sang. Do đó, đây cũng trở thành một trong những món ăn quen thuộc trong những bữa cơm ngày Tết. Với nguyên liệu chính được làm từ thịt heo sống bao gồm cả nạc và mỡ được thái mỏng hoặc xay nhuyễn. Sau đó, chúng được mang đi ướp cùng muối, tiêu, tỏi, rượu và gia vị rồi gói thật chặt. Khi dùng, bạn có thể luộc hay chiên tùy theo ý thích.

Lạp xưởng - Một trong những món ăn quen thuộc trong những bữa cơm ngày Tết

6. Chả lụa

Mặc dù mỗi vùng miền sẽ có những cách chế biến khác nhau, thế nhưng đa số chả lụa sẽ được làm từ thịt giã mịn cùng một vài loại gia vị tùy ý. Sau đó được gói trong lớp lá chuối xanh mướt và mang đi luộc chín. Theo tương truyền, ngày xưa đây là món ăn được dâng lên cho vua chúa vào những dịp lễ lớn. Chính vì vậy mà chả lụa ngày nay trở thành một món ăn dân dã nhưng lại không kém phần sang trọng để đãi khách. Tuy bề ngoài dung dị nhưng lại vô cùng tinh tế tượng trưng cho sự sang trọng, trong ấm ngoài êm.

Chả lụa cũng là một món ăn quen thuộc trong những ngày đầu năm mới tại miền Nam

7. Bánh Tét

Nếu như miền Bắc chuộng món bánh Chưng với hình dáng vuông vức thì người trong Nam lại thích những đòn bánh Tết hình trụ dài. Những chiếc bánh Tết thường được gói từ đậu xanh, nếp, không có hoặc có thịt để có thể ăn sau Tết. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng lá chuối để gói bánh thay vì lá dong. Điều đặc biệt của món bánh Tét của người Nam là có sự đa dạng với nhiều loại nhân khác nhau từ mặn, ngọt và cả chay.

Người trong Nam thích những đòn bánh Tết hình trụ dài vào những ngày đầu năm mới

8. Mứt và hạt dưa

Chẳng biết từ khi nào mà người Việt nói chung và người miền Nam nói riêng có thói quen cứ mỗi dịp Tết thì nhà nào cũng phải chuẩn bị một hộp bánh mứt. Trước là để dâng cúng tổ tiên, ông bà sau đó để con cháu “thụ lộc” và mời khách. Trong khay mứt này thì có đủ các loại bánh mứt với nhiều màu sắc khác nhau, trong số đó, không thể thiếu hạt dưa, mứt dừa, mứt gừng.

Khay bánh ngày Tết ở miền Nam

Nếu như mứt gừng như thể hiện sự mong ước về một cuộc sống gia đình sung túc, đầm ấm thì mứt dừa thể hiện sự tề tựu đông đủ, ước mong được quây quần hạnh phúc bên nhau. Cả hai món mứt này luôn được ưu tiên xuất hiện trong khay, thích hợp cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Đặc biệt, khi dùng cùng một tách trà nóng thì quả là không còn gì tuyệt vời hơn trong tiết trời của những ngày đầu năm mới.

Các loại mứt dừa vào ngày Tết

Bên cạnh đó, hạt dưa màu đỏ cắn nghe vui tai cũng vì thế mà xuất hiện trên khay mứt. Ngoài ra, mọi người thường tin rằng sắc đỏ của hạt dưa tượng trưng cho niềm vui, sự may mắn và tài lộc cho những ngày đầu năm mới sắp đến.

Hạt dưa màu đỏ cắn nghe vui tai cũng vì thế mà xuất hiện trên khay mứt

9. Gà luộc

Theo người dân ở đây, gà luộc mang ý nghĩa như cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy. Do đó, đây là một trong những món ăn bạn sẽ bắt gặp trong mâm cỗ của ngày tết ở miền Nam. Món ăn được chế biến đơn giản và nhanh chóng, bạn chỉ cần làm sạch gà và mang đi luộc. Tuy nhiên, món ăn này phải luộc nguyên con và tuyệt đối không được làm chúng gãy cánh hay mất một bộ phận nào đấy nhé!

Những chú gà vàng ươm vào ngày Tết ở miền Nam

Bên cạnh ẩm thực, điều làm nên sự khác biệt giữa Tết ở miền Nam và ở miền Bắc còn có các loại hoa trưng, văn hoá trong mâm ngũ quả hay lễ cúng đầu năm mới,... Tuy nhiên, trong đó, các món ngon đặc sản ngày Tết cũng chính là một trong các yếu tố quan trọng làm nên nét độc đáo riêng của mỗi vùng miền. Thế nên, nếu bạn chưa có lịch trình gì cho những ngày đầu xuân thì hãy thử chọn một tour du lịch trong nước để hiểu hơn về văn hoá của nước mình, bạn nhé