Chiều 13-5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới, Bruxelles-1827 khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; đại diện nhiều ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện Đại sứ quán của các nước Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Campuchia; nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong nước và hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế.
Thông tin ban đầu về bộ Atlas thế giới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa do Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hải cung cấp cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ đã mời Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc ra nước ngoài để nghiên cứu giá trị của bộ Atlas. Ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm ECO đã tài trợ kinh phí cho Bộ Thông tin và Truyền thông mua bộ Atlas thế giới, Bruxelles-1827 về Việt Nam làm tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ Atlas khẳng định chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam
Bộ Atlas thế giới của nhà địa lý kiệt xuất Philippe Vandermaelen (1795 - 1869) cho xuất bản gồm sáu tập với bảy bản đồ chung của năm châu lục; 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý, chính trị, khoáng sản. Bộ Atlas được hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới thời đó, có thể ghép lại thành quả địa cầu có đường kính 7,755cm... Đã gần 200 năm nay bộ Atlas trở nên hết sức nổi tiếng được khai thác, sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Bản đồ các nước châu Á trong bộ Atlas gồm 111 tấm. Việt Nam (được chú thích là An Nam) được thể hiện qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Tấm bản đồ 106 vẽ tuyến bờ biển miền Trung An Nam từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16, phần ngoài khơi Hoàng Sa được vẽ chi tiết từ vĩ độ 16 đến vĩ độ 17, khẳng định thuộc về An Nam. Đồng thời bên cạnh đó tấm bản đồ còn có một bản giới thiệu về đế chế An Nam.
Trong tấm bản đồ số 98 vẽ Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc thể hiện rõ giới hạn của Trung Quốc không chạm đến vĩ độ 18. Điều này phản ánh tính khách quan của bộ Atlas và làm tăng thêm giá trị chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Atlas khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Giới thiệu về bộ Atlas, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh: “ Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen có thể được coi là tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nguồn: Báo Nhân dân Điện tử
Top Ten Travel tổng hợp