Hồ Chí Minh
Icon Locate
Hồ Chí Minh

Huế: Hương vị Tết ngày xưa còn phảng phất

Ngày Tết ở Huế có nhiều rất nhiều điều thú vị. Là kinh đô xưa Huế còn giữ được nhiều cổ tục trong việc đón và ăn Tết. Tết này, bạn và gia đình hãy đi du lịch Huế, cảm nhận không khí khác biệt nơi đây, hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông ta đã để lại.   Ngày xưa ở Huế, việc chuẩn bị Tết có từ nhiều tháng trước. Thậm chí có những món bánh, mứt làm từ mùa hè ( mứt thơm) rồi đậy kín dán giấy bảo quản cho đến Tết. Ngày 1 tháng Chạp là ngày chính thức được bắt đầu chuẩn bị cho năm mới. Ngày này, Khâm Thiên giám làm và ấn loát xong lịch, ban phát cho dân. Lễ phát thành Lịch gọi là lễ Ban sóc.   Đón giao thừa ở Huế   Sau lễ Ban sóc đến lễ Phất Thức, được tổ chức trước ngày ông Táo về trời tại điện Cần Chán, tức là lễ lau chùi các ấn ngọc, ấn vàng, kim sách, ngân sách. Các bảo vật này được rửa bằng nước hoa thơm rồi dùng khăn đỏ để lau. Lau chùi xong bỏ vào hòm khóa kín lại, từ  đó các cơ quan nhà nước được nghỉ việc lo tết. Ở Huế ngày xưa, mỗi vị vua, mỗi bà hoàng hậu đều có một cuốn kim sách. Mỗi kim sách có 10 tờ giấy đôi bằng vàng mỏng như bìa vở, khổ giấy mỗi trang 0,15m x 0,22m, ngoài có hai tấm bìa cũng bằng vàng dây như tấm các tông, sách dành cho đàn ông thì chạm rồng, đàn bà thì chạm phụng. Trong kim sách ghi tiểu sử của đương sự. Sách được cất giữ trong cái tráp bằng bạc. Tráp lại còn đặt một cái hòm bằng gỗ chạm cẩn, lề khóa đều bằng vàng. Nguyên tắc làm cái khóa này hoàn toàn là của Việt Nam.   Sau lễ Phất Thức là lễ Tế Hưởng là lễ cúng gia tiên nhà vua như dân gian vẫn làm rước ông, bà về ăn Tết. Lễ này được tổ chức ở Triệu Miếu nơi thờ chúa Tổ Nguyễn Kim và Thái Miếu nơi các chúa Nguyễn, Hưng Miếu nơi thờ vua Gia Long.   Sáng mùng một Tết, trống từ Điện Thái Hòa đánh từ Canh năm, cờ mới được kéo lên trên đỉnh Phù Vân Lâu, đại nhạc được tấu lên rộn ràng, vua mặc hoàng bào thiết triều ban chiếu chúc cho năm mới được quốc thái dân an... sau đó tổ chức yến tiệc, ban thưởng cho bá quan văn võ đầu năm mới. Theo các nhà nghiên cứu của Huế, thực đơn trong mâm yến tiệc đầu năm mới là các loại sơn hào, hải vị còn có 15 loại bánh, mứt 12 loại, trái cây 5 loại, xôi 2 loại... Đi liền với yến tiệc là ban thưởng tiền như  kiểu lì xì trong dân gian, tùy theo phần hàm mà nhận.   Sau lễ mừng nhà vua là lễ mừng thái hậu diễn ra ngày mùng một tại cung Diên Thọ. Sau đó triều đình tổ chức du xuân kinh kỳ, thăm viếng chùa chiền, hái lộc đầu năm, dạo thuyền rồng trên sông Hương, xem hát ở Duyệt Thi Đường... cho đến ngày mùng 3 tết, nhà vua mở lễ cày Tịch Điền mở đầu cho niên vụ mới.   Tết dân gian ở Huế là sự đúc kết tinh hoa văn hóa Tết của người Việt, người Chăm cả trong cung và ngoài cung trong suốt hành trình lịch sử, trở thành nét văn hóa, thành bản sắc đặc trưng của Huế.   Tết ở Huế, trên bàn thờ gia tiên không bao giờ thiếu nhành mai vàng , mâm ngũ quả, bức tranh thờ làng Sình, cành hoa giấy Thanh Tiên là những đặc sản văn hóa tâm linh đồng hành cùng Tết Huế từ hàng trăm năm nay. Sau khi đưa ông Táo về trời thì các hội hoa xuân, chim, cây kiểng cũng được tổ chức rầm rộ hai bên bờ sông Hương, các trò chơi dân gian cũng tổ chức sôi nổi ở các chợ Huế như bầu cua, hát bài chòi ...   Sáng mùng một Tết là ngày đặc biệt đối với người Huế với hàng chục thứ kiêng kỵ từ trong nhà ra ngoài sân như quét nhà, kiêng cãi vả, kiêng đạp đất nhà người... Đại bộ phần đều đi chùa xin lộc đầu năm, thăm bà con nội ngoại và đi chơi Tết.   Có thể nói Tết Huế như là Tết của lễ hội được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm nay, dù chỉ trong cung hay ngoài nội vẫn mang đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam. Hiện nay với mục tiêu xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam thì Tết Huế như là một cơ hội để xây dựng nên một thương hiệu du lịch Huế đặc sắc.

Topten Travel Tổng hợp

     

0 bình luận


0901330018