Cuối năm 1983, một vở cải lương đã hối hả lên sàn tập để đi "ngoại giao" ở Châu Âu. Nhưng không ngờ nó đã trở thành vở cải lương chuẩn mực mà mấy chục năm sau này nhiều thế hệ nghệ sĩ và khán giả đều diễn và xem đi xem lại không biết chán...
Chung sức, và cả đấu tranh
Bàn về vở cải lương Đời cô Lựu, cuối năm 1983, Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM triệu tập nghệ sĩ để dựng một vở cải lương chuẩn mực đem sang Đức biểu diễn cho UNESCO xem, trong chương trình giới thiệu và trao đổi văn hóa các nước. Lúc ấy Nhà hát Trần Hữu Trang là đơn vị chủ lực, với dàn "sao" như Diệp Lang, Bạch Tuyết, Minh Vương, Thành Được, Ngọc Giàu... nhưng phải mời thêm nghệ sĩ Lệ Thủy đang hoạt động bên ngoài vì bà đang rất nhiều sô, và cả Thanh Tòng đang ở đoàn Minh Tơ. Chương trình đem đi gồm một vở dài là Đời cô Lựu, còn lại 3 trích đoạn ngắn Câu thơ yên ngựa, Lục Vân Tiên, Tâm sự Ngọc Hân. Dĩ nhiên Đời cô Lựu đã gây chấn động khán giả, làm nên một sự kiện khó quên trong làng sân khấu.
Doi co Luu
Vở cải lương Đời cô Lựu
Thực ra, vở cải lương Đời cô Lựu này đã từng được soạn giả Trần Hữu Trang giao cho đoàn Thanh Minh dàn dựng với thế hệ nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân, Thanh Nga, Hữu Phước, Hoàng Giang, Út Trà Ôn, Việt Hùng, Thanh Loan... Nhưng trải qua thời gian quá lâu và không ghi hình lại được, cho nên khán giả sau này không biết đến. Vì vậy, dựng lại Đời cô Lựu với dàn diễn viên trẻ là vô cùng đúng đắn. Trẻ, bởi lúc ấy Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương... mới hơn 30 tuổi, còn "cứng" nhất là Diệp Lang thì cũng chừng 40. Ngay cả đạo diễn Huỳnh Nga cũng xêm xêm tuổi Diệp Lang. Tất cả đều đang độ sung sức.
Doi co Luu
Dàn diễn viên kỳ cựu trong vở cải lương Đời cô Lựu
Kịch bản gốc Đời cô Lựu đã được mổ xẻ lại và thay đổi khá nhiều, với sự chứng kiến và đồng thuận của tác giả Việt Thường (con trai ông Trần Hữu Trang). Nghệ sĩ đóng góp nhiệt tình, chăm chút từng li từng tí. Đầu tiên là thay đổi ngôn ngữ, sửa nhiều câu nhiều chữ "xưa" cho hiện đại hơn. Thí dụ "Có làm đặng hay không" thì thành "Có làm được hay không". Soạn giả Viễn Châu cũng có mặt để chấp bút thêm những đoạn diễn, những lời ca, giúp chi tiết và nhân vật đầy đặn hơn. Đặc biệt nhất là thêm chi tiết cho cô Bảy cán vá. Nghệ sĩ Ngọc Giàu được giao đóng vai bà Hai Hương lẫn vai cô Bảy, vì đoàn đi phải gọn nhẹ, không thể quá nhiều người. Nhưng Ngọc Giàu thấy vai này sơ sài quá, chị bèn nghĩ ra thêm cái tay cán vá, thế là Viễn Châu phải viết thêm lời thoại, lời ca, không ngờ nhân vật này trở nên duyên dáng lạ lùng, ấn tượng còn hơn cả vai chính.
Doi co Luu
Phân đoạn Đời cô Lựu
Không ấn tượng sao được, khi cả vở đều bi, chỉ có lớp diễn của cô Bảy khiến khán giả cười đau bụng, mà cười rất lành mạnh, duyên dáng, và cái tay cán vá chắc chỉ duy nhất nghệ sĩ Ngọc Giàu đem nó lên sân khấu với cái nhìn không hề châm biếm chê bai người khuyết tật mà lại dễ thương, cảm động vô cùng.
Minh Vương - Lệ Thủy cũng làm nên một ấn tượng quá đẹp qua lớp diễn giữa cô tiểu thư nhà giàu Kim Anh và ông anh lưu lạc Võ Minh Luân trong vở cải lương Đời cô Lựu. Nhưng ai nào biết có được lớp diễn ấy phải từ sự ... đấu tranh. Thực sự lúc đó Lệ Thủy cũng là hàng "sao" không kém cạnh chi các bạn đồng nghiệp, nhưng chị chấp nhận đóng vai phụ vì nghĩ tới cái chung của sân khấu, thể diện quốc gia khi đem chuông đi đánh xứ người. Nhưng chị thấy vai của mình trong Đời cô Lựu mờ nhạt quá, chưa rõ số phận, nhất là chưa rõ động cơ làm sao để Kim Anh có thể dám đem vàng thật của mình đi đổi để giúp đỡ ông anh nghèo khổ.
Doi co Luu
Vai diễn chị Bảy cán vá
Động cơ ấy phải rất mạnh mẽ thì mới thúc đẩy được nhân vật làm một chuyện tày đình như thế, đâu chỉ đơn giản có màn nhận anh em trong vở Đời cô Lựu. Lệ Thủy nhờ bác Viễn Châu viết giùm, và soạn giả tài hoa này đã viết ngay lớp đối thoại hồn nhiên và cảm động của Võ Minh Luân với câu ca dao "Ví dầu ví dẩu ví dâu" - Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng - Vô chuồng rồi trâu chạy trở ra - Trở ra rồi ta lại ví vô..." Nghệ sĩ Minh Vương với gương mặt hiền lành đã thể hiện xuất sắc vài diễn này trong Đời cô Lựu, dù hồn nhiên như thế mà vẫn làm khán giả rớt nước mắt, vì thương cho đời sống nghèo khổ của một đứa bé lớn lên côi cút, thất học, chỉ biết làm bạn với mấy con trâu.
Khán giả khóc được, thì Kim Anh cũng khóc được và đó chính là động cơ hợp lý để cô tiểu thư này dám hi sinh cho anh hai của mình trong vở cải lương Đời cô Lựu. Câu chuyện phải logic cỡ đó. Và Lệ Thủy còn đòi xử lý số phận Kim Anh về sau, chứ không thể bỏ lửng. Viễn Châu cho cô bị chồng bỏ, rất đúng hoàn cảnh. Lên sàn tập ai cũng khen, nhưng khi diễn thử thì mấy chú lãnh đạo bảo cắt hết mấy đoạn này.
Lệ Thủy cương quyết: "Nếu cắt thì tôi bỏ vai" khi nhập vai trong vở Đời cô Lựu. Thế là khi thu hình để lưu thì Kiều Hoa đóng thay cho Lệ Thủy. Nhưng nhìn lại bản thu hình mọi người mới thấy rõ ràng không hay hơn những chi tiết mà Lệ Thủy đề nghị thêm vào. Thế là mời Lệ Thủy trở lại, diễn đúng bản tập tuồng của chị, và bản đó đem sang châu Âu biểu diễn luôn, được khen ngợi cỡ nào thì ai cũng đã biết. Ngay cả đoạn Lệ Thủy - Ngọc Giàu đối đáp vụ cà phê sữa cũng quá chừng duyên dáng.
Thái An
Theo: TNTS
0 bình luận